Chọi gà (cách gọi của người miền Bắc) hay đá gà (cách gọi của người miền Nam), là thú chơi dân gian vừa có tính tiêu khiển, khuyến khích chăn nuôi vừa thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Được cho là du nhập vào Việt Nam từ thời Lý, ban đầu chỉ dành cho các bậc vương tôn quý tộc, sau đó tới đời nhà Trần thì hình thức này phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân.

Tuy nhiên, hiện nay vào mùa lễ hội, đặc biệt là những ngày Tết đến Xuân về, ở không ít địa phương chọi gà đã bị biến tướng thành một hình thức kiếm tiền bất hợp pháp đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội, phá vỡ hạnh phúc gia đình…

 Công an thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) tạm giữ các nghi can trong một vụ cá cược chọi gà ăn tiền. (Ảnh: Nghiêm Túc)

Nhiều bạn đọc thắc mắc nếu chỉ quan sát chọi gà từ bên ngoài thì có bị coi là vi phạm pháp luật không và nếu trực tiếp tham gia chọi gà có cá cược ăn tiền thì hình thức xử lý ra sao? Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết nếu tổ chức chọi gà nhằm mục đích cá cược một khoản tiền hoặc hiện vật, bên thắng hưởng khoản tiền cá cược đó thì đây được coi là hành vi đánh bạc trái phép. Tùy theo mức độ vi phạm, quy mô cược, những người tham gia có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, về xử phạt hành chính, tại Khoản 2 Điều 28 Mục 2 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình như sau: Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng nếu đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật; Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.

Ngoài ra, Khoản 6 Điều 28 cũng nêu rõ hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (cụ thể là con gà) đối với hành vi quy định tại Khoản 1; Khoản 2; các Điểm a và b Khoản 3; các Điểm b, c và d Khoản 4 và Khoản 5 Điều này; trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Theo luật sư Tuấn, phụ thuộc vào số tiền hoặc giá trị hiện vật cá cược mà các cá nhân trực tiếp tham gia vào hành vi chọi gà trái phép có thể bị xử lý về Tội đánh bạc và Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định tại Điều 321 và Điều 322 Mục 4 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, Điều 321 nêu rõ: Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trong khi đó, Điều 322 quy định, người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên; Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên; Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu hưởng thụ và giao lưu văn hóa của người dân ngày càng cao. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tổ chức và quản lý hoạt động của các trò chơi dân gian lành mạnh trong dịp lễ hội, dịp Tết Nguyên đán, tập trung khuyến khích các loại hình vui chơi giải trí mang đậm nét văn hóa truyền thống, không đặt nặng tính ganh đua, tranh giành thậm chí mang yếu tố bạo lực, nếu có giải thưởng thì chỉ là tượng trưng, động viên tinh thần của người chơi cũng như những người theo dõi, cổ vũ bên ngoài”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.