(Luatsutranhchap.vn) Văn phòng Luật sư Đạt Điền : Cảnh báo việc giao dịch cho vay bằng hợp đồng giả cách bằng hình thức ký sang tên tại Phòng Công chứng ?
Trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng vay, đảm bảo định hướng quan hệ vay mang đúng tính chất “dân sự” ngăn chặn tình trạng người mạnh thế bóc lột người yếu thế thông qua quan hệ vay. Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150 % của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định”. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay các giao dịch vay vốn trong nhân dân chỉ được phép cho vay với lãi suất 1,125%/tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Kiên Giang việc cho vay lãi suất cao đã trở nên phổ biến và có nhiều kiểu cho vay biến tướng thông qua việc cầm cố tài sản nhưng được bảo đảm bằng hợp đồng có công chứng chứng thực.
Hiện nay các vụ tranh chấp vay tài sản khởi kiện tại Tòa án chiếm tỷ lệ cao so với các loại kiện tranh chấp khác. Trong đó, có nhiều vụ đối tượng cho vay lãi suất cao đã hình thành một số thủ đoạn mới nhằm đánh lạc hướng điều tra thu thập chứng cứ khi khởi kiện tại Tòa án. Việc vay tiền chấp nhận lãi suất cao thường là những người hết sức khó khăn hoặc những người vay nóng nhằm có tiền trả nợ đáo hạn vay của Ngân hàng nên người vay phải chấp nhận một mức lãi gấp 5-10 lần quy định của pháp luật. Để nắm chắc khi người vay không có khả năng trả nổi vốn và lãi suất thì bên cho vay bắt buộc người vay phải giao giấy tờ nhà, đất cho bên cho vay để thế chấp đảm bảo cho hợp đồng vay. Tuy nhiên, việc thế chấp giấy tờ nhà, đất lại không làm hợp đồng thế chấp mà bên cho vay yêu cầu phải làm hợp đồng ra Công chứng chứng thực với hình thức chuyển nhượng để nắm phần chắc nếu người vay trả nợ và lãi suất đầy đủ thì bên cho vay trả giấy tờ nhà, đất lại. Nếu không có khả năng trả nợ, hoặc trả lãi không đầy đủ thì bên cho vay đem hợp đồng “chuyển nhượng” đã công chứng đi sang tên, khi đó người vay tiền mất nhà, mất đất. Vụ việc dù khởi kiện tại Tòa án thì bên cho vay đưa ra chứng cứ về việc đã làm hợp đồng chuyển nhượng nhà; đất mà người vay không thể chứng minh là minh chỉ vay tiền chứ không bán đất, nhà.
Từ tình hình thực tế các tranh chấp vay nợ phổ biến trong thời gian qua, cho thấy đối tượng cho vay lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân trong lúc khó khăn để cho vay thông qua hợp đồng giả cách với hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhằm chiếm đoạt nhà, đất khi họ không có đủ điều kiện trả nợ. Rõ ràng tình trạng này xuất hiện xu hướng dân sự hóa quan hệ hình sự. Do đó, người dân khi thực hiện việc vay nợ cần chú ý các thủ đoạn trên nhằm trách tình trạng mất nhà cửa, đất đai cho khoản tiền vay không tương xứng giá trị tài sản của mình. Đồng thời, rất cần sự ngăn chặn của các cơ quan bảo vệ pháp luật góp phần bảo vệ sự an toàn pháp lý trong các quan hệ dân sự.