Trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng được quy định tại Điều 113 BLTTDS năm 2015. Có 04 trường hợp Tòa án phải bồi thường khi áp dụng không đúng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.
Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình; trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp này hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- * Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- * Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu;
- * Tòa án áp dụng biện pháp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- * Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng.
Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.