Thời gian cai nghiện

Câu hỏi:
Em trai tôi bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm giáo dục lao động – Tạo việc làm huyện Phú Giáo ngày 05/9/2016, và bị tòa xử vào ngày 10/10/2016 quyết định thời gian cai nghiện là 20 tháng nhưng không có mời gia đình dự. Xin cho hỏi, nếu em trai tôi chấp hành và lao động tốt có được về trước thời gian không? Tôi thấy luật qui định thời gian cai nghiện từ 1 đến 2 năm, căn cứ vào đâu để quyết định thời gian em tôi phải cai nghiện ở trung tâm. Trong khi đó, ở địa phương em tôi có công việc và nơi cư trú ổn định, khoảng thời gian khi bị Công an bắt đến khi đưa đi Phú Giáo, gia đình tôi không được thông báo gì hết và không biết gì về tình hình em trai tôi ra sao. Khi đưa em tôi đi nếu xảy ra vấn đề gì ai sẽ chịu trách nhiệm. Xin cảm ơn!

Trả lời:
Theo nội dung cung cấp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Dương tư vấn như sau: Theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm: – Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện. – Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy. – Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định. Như vậy, nếu em của ông đã đủ 18 tuổi và thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì em ông là đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Về việc ông thắc mắc gia đình ông không được thông báo khi em trai ông bị đưa vào cơ sử cai nghiện bắt buộc: Theo Điều 8, Điều 11 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quy định như sau: – Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, Công an cấp xã nơi người đó có hành vi phạm lập biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép của người đó và tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. – Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ. – Văn bản thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm các nội dung cơ bản sau đây: + Họ và tên người vi phạm; + Lý do lập hồ sơ đề nghị;        + Quyền của người được thông báo: người được thông báo có quyền đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ và phát biểu ý kiến về việc lập hồ sơ tại Tòa án nhân dân câp huyện; + Địa điểm đọc hồ sơ; + Thời gian đọc hồ sơ: thời gian đọc hồ sơ là 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Căn cứ vào những quy định trên thì Công an cấp xã là người lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho em trai ông. Công an cấp xã không có trách nhiệm thông báo cho gia đình ông vì em trai ông đã đủ 18 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm về hành vi của mình, trừ trường hợp em trai ông là người không có năng lực trách nhiệm hành chính thì khi đó Công an cấp xã có trách nhiệm thông báo cho người đại diện hợp pháp của em trai ông là cha mẹ hoặc người giám hộ của em trai ông. Về thời gian cai nghiện bắt buộc: Tại Khoản 2 Điều 95 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng. Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 qui định: “việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”. Căn cứ các qui định trên, thời gian cai nghiện bắt buộc của em trai ông dài hay ngắn do Thẩm phán quyết định tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của em trai ông cũng như nhân thân của em trai ông, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc: Điều 19 Nghị định 221/2013/NĐ-CP qui định cụ thể như sau: – Học viên đã chấp hành một nửa thời hạn quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại. + Học viên có tiến bộ rõ rệt là người nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế, quy trình cai nghiện tại cơ sở, tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của cơ sở và được Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi tắt là Hội đồng) công nhận. + Học viên lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; – Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất khi có học viên thuộc diện được giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị và tổ chức họp Hội đồng xem xét đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại. – Trong thời hạn 02 ngày, kể từ khi nhận được Biên bản họp của Hội đồng, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc lập hồ sơ đề nghị gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở xem xét quyết định. Trên đây là một số quy định của pháp luật quy định về việc cai nghiện bắt buộc, ông có thể đối chiếu với quy định trên để áp dụng đối với trường hợp của em trai ông. Trân trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *