1. Vị trí, tổ chức của Viện Kiểm Sát
Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và ngày này cũng chính là ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân. Theo quy định của Hiến pháp Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập trong cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước.
Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức theo ngành dọc ở 4 cấp, gồm:
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao
– Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (hiện có 3 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh)
– Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hiện có 63 Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).
– Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (hiện có 710 Viện kiểm sát cấp huyện tại 710 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân có các Viện kiểm sát quân sự, gồm:
– Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
– Viện kiểm sát quân sựquân khu và tương đương.
– Viện kiểm sát quân sựkhu vực.
Toàn bộ hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo và điều hành của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc uỷ quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
2. Nguyên tắc hoạt động của viện kiểm sát
Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta nói chung. Song, do có vị trí, chức năng và nhiệm vụ mang tính đặc thù nên hệ thống các Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc đặc thù. Đó là nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành và nguyên tắc độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ một cơ quan nhà nước nào ở địa phương.
– Nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành.
Nguyên tắc này bắt nguồn từ nguyên tắc tập trung dân chủ và nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp chế.
Các cơ quan nhà nước ở địa phương một mặt trực thuộc Chính phủ hoặc Bộ chủ quản, mặt khác lại trực thuộc Hội đồng nhân dân hoặc ủy ban nhân dân địa phương. Nguyên tắc này được gọi là nguyên tắc phụ thuộc hai chiều.
Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta không được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc phụ thuộc hai chiều nêu trên, mà theo nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành.
Theo nguyên tắc này, Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 109 Hiến pháp 2013 và Điều 8 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002). Viện trưởng, Phó viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, Phó viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và khu vực, Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân đều do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tố cao bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức (Điều 9 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002).
Như vậy, tất cả các Viện kiểm sát nhân dân từ trên xuống dưới tạo thành một hệ thống thống nhất. Mọi hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, dù ở cấp nào, đều đặt dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân phải chịu trách nhiệm cá nhân về toàn bộ hoạt động của Viện kiểm sát do mình lãnh đạo trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động của toàn ngành kiểm sát trước Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Việc thực hiện nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành bảo đảm cho các cấp kiểm sát hoạt động đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố và hoạt động kiểm sát.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Ủy ban kiểm sát. Ủy ban kiểm sát làm việc tập thể, thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng như phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác, dự án luật, dự án pháp lệnh..v.v… (các điều 32 và 35 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002). Khi Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên ủy ban kiểm sát thì vẫn thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo lên cấp trên (lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh). Như vậy, quy định này vừa bảo đảm mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể, vừa đề cao trách nhiệm của Viện trưởng.
– Nguyên tắc không lệ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước nào ở địa phương.
Trong tổ chức và hoạt động của mình, Viện kiểm sát nhân dân không lệ thuộc vào bất cứ một cơ quan nhà nước nào ở địa phương. Nguyên tắc này có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc tập trung, thống nhất lành đạo trong ngành. Nguyên tắc này nhằm tạo ra điều kiện để ngành kiểm sát nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất.
Theo Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân trong năm 2002, toàn bộ hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân được đặt dưới sự giám sát toàn diện, thường xuyên và chặt chẽ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước (Điều 108 Hiến pháp năm 2013; Điều 9 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002).
Nội dung nguyên tắc Viện kiểm sát nhân dân không lệ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước nào ở địa phương thể hiện ở chỗ: Các Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách độc lập, không chịu sự chi phối bởi các cơ quan nhà nước ở địa phương, mà chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khi hoạt động, các Viện kiểm sát nhân dân chỉ phụ thuộc vào Hiến pháp, các đạo luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều đó cũng có nghĩa là các cơ quan nhà nước ở địa phương không có quyền can thiệp vào hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
Về mặt tổ chức, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định bộ máy và biên chế của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên các Viện kiểm sát nhân dân địa phương.
Thừa nhận nguyên tắc không lệ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước nào ở địa phương cũng cần lưu ý là, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp, chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân, trả lời chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân về tình hình chấp hành pháp luật ở địa phương và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương. Mặt khác, qua thực tiễn hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng có quyền kiến nghị với Hội đồng nhân dân về việc phòng ngừa tội phạm và những biểu hiện vi phạm pháp luật để bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh.
3. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự
Điều 2 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định về chức năng nhiệm vụ của viện kiểm sát nhân dân đã xác định rõ: Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất.
Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật. Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Yêu cầu khởi tố, huỷ bỏ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án trái pháp luật, phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; trực tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những trường hợp do BLTTHS quy định;
– Quyết định, phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Huỷ bỏ các quyết định tố tụng trái pháp luật khác trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
– Khi cần thiết đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện;
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu để làm rõ tội phạm, người phạm tội;
– Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ căn cứ quyết định việc buộc tội đối với người phạm tội;
– Điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật;
– Quyết định việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố;
– Quyết định việc truy tố, buộc tội bị cáo tại phiên toà;
– Kháng nghị bản án, quyết định của tòa án trong trường hợp viện kiểm sát nhân dân phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội;
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc buộc tội đối với người phạm tội theo quy định của BLTTHS (Xem: Điều 3 Luật tổ chức viện kiểm sát năm 2014).
Kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự. Viện kiểm sảt nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc giải quyết vụ án hình sự; việc thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp còn nhằm bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lí và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ; bảo đảm bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh và bảo đảm mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lí kịp thời, nghiêm minh.
Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; tự kiểm tra việc tiến hành hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả cho viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu để viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định trong hoạt động tư pháp;
– Trực tiếp kiểm sát; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp;
– Xử lí vi phạm; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lí nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm;
– Kháng nghị bản án, quyết định của toà án có vi phạm pháp luật; kiến nghị hành vi, quyết định của toà án có vi phạm pháp luật; kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền khác trong hoạt động tư phâp;
– Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền;
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật (Xem: Điều 4 Luật tổ chức viện kiểm sát năm 2014).
4. Tiêu chuẩn Kiểm sát viên.
Tiêu chuẩn chung:
– Căn cứ Điều 75 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ cử nhân luật, đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên.
– Việc xác định các tiêu chuẩn Kiểm sát viên quy định tại Điều 75 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 cần căn cứ vào quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-BQP-BNV-UBTWMTTQVN để vận dụng cho phù hợp;
Tiêu chuẩn cụ thể của Kiểm sát viên:
– Tiêu chuẩn cụ thể của Kiểm sát viên sơ cấp:
Theo quy định tại Điều 77 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự:
1. Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;
2. Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
3. Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên sơ cấp.
– Tiêu chuẩn cụ thể của Kiểm sát viên trung cấp:
Theo quy định tại Điều 77 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự:
a) Đã là Kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm;
b) Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
c) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với Kiểm sát viên sơ cấp;
d) Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên trung cấp.
2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này, các điểm b, c và d khoản 1 Điều này thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự.
– Tiêu chuẩn cụ thể của Kiểm sát viên cao cấp:
Theo quy định tại Điều 79 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự:
a) Đã là Kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm;
b) Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
c) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với Kiểm sát viên cấp dưới;
d) Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp.
2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên, có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này, các điểm b, c và d khoản 1 Điều này thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự.
– Tiêu chuẩn cụ thể của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Theo quy định tại Điều 79 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
a) Đã là Kiểm sát viên cao cấp ít nhất 05 năm;
b) Có năng lực chỉ đạo, điều hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
c) Có năng lực giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 20 năm trở lên, có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
5. Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên.
Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên:
Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp gồm các bước sau:
– Một là, Ban cán sự Đảng VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp căn cứ vào nhu cầu cán bộ, xác định chủ trương bổ nhiệm Kiểm sát viên thuộc thẩm quyền quản lý.
– Hai là, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ lập hồ sơ trích ngang của cán bộ, tập hợp các loại đơn thư khiếu nại, tố cáo và các báo cáo kết luận có liên quan đến việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với cán bộ (nếu có) để báo cáo Ban cán sự Đảng cùng cấp xem xét.
– Ba là, cán bộ thuộc đối tượng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại làm bản tự kiểm điểm, đánh giá ưu khuyết điểm việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, kèm theo ý kiến nhận xét đánh giá của thủ trưởng đơn vị.
– Bốn là, đơn vị có cán bộ thuộc đối tượng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại tổ chức cho tập thể Kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị tham gia ý kiến. Tổ chức bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm (với đối tượng bổ nhiệm lần đầu), lấy ý kiến nhận xét của chi uỷ, chi bộ, cơ sở, trưởng ban công tác mặt trận, tổ dân phố… nơi cư trú thường xuyên của đối tượng được đề nghị xem xét bổ nhiệm. Với cán bộ bổ nhiệm lại thực hiện việc nhận xét, đánh giá cán bộ theo đúng quy trình trước khi xem xét bổ nhiệm lại.
– Năm là, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao cùng với tập thể lãnh đạo tổng hợp kết quả kết quả tín nhiệm và xác minh, kết luận những vấn đề mới nẩy sinh đối với cán bộ (nếu có).
– Sáu là, Lãnh đạo đơn vị, Thường vụ Đảng uỷ hoặc Đảng uỷ (chi uỷ) cơ quan, đơn vị… nhận xét đánh giá và có y kiến đề nghị bằng văn bản về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm.
– Bảy là, Uỷ ban kiểm sát VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp họp xét chọn và đề nghị Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp tuyển chọn Kiểm sát viên.
– Tám là, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp họp tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh Kiểm sát viên để trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm. Trên cơ sở kết quả của Hội đồng tuyển chọn, Viện trưởng VKSND tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khu vực.
Theo quy định tại Điều 89 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Kiểm sát viên được miễn nhiệm trong các trường hợp sau:
1. Kiểm sát viên đương nhiên được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành.
2. Kiểm sát viên có thể được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Quy trình miễn nhiệm Kiểm sát viên:
Quy trình miễn nhiệm Kiểm sát viên tiến hành như sau:
– Một là, Kiểm sát viên làm đơn xin miễn nhiệm, nêu rõ lý do xin miễn nhiệm;
– Hai là, Uỷ ban kiểm sát họp xét để trình Hội đồng tuyển chọn xem xét;
– Ba là, Hội đồng tuyển chọn họp xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định;
– Bốn là, trên cơ sở kết quả của Hội đồng tuyển chọn, Viện trưởng VKSND tối cao trình Chủ tịch nước miễn nhiệm Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên.
Quy trình đề nghị cách chức Kiểm sát viên VKSND các cấp:
Các bước tiến hành cách chức Kiểm sát viên.
– Một là, Kiểm sát viên bị đề nghị cách chức làm bản tự kiểm điểm;
– Hai là, cơ quan, đơn vị nơi Kiểm sát viên công tác tổ chức kiểm tra xác minh vi phạm và kiểm điểm làm rõ sai phạm của người bị đề nghị cách chức;
– Ba là, Hội đồng kỷ luật cơ quan, đơn vị nơi Kiểm sát viên công tác họp xem xét đề nghị hình thức kỷ luật để cấp có thẩm quyền quyết định ;
– Bốn là, Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát các cấp họp xem xét việc cách chức đối với chức danh Kiểm sát viên;
– Năm là, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên các cấp họp xem xét đề nghị cách chức chức danh Kiểm sát viên;
– Sáu là, đề nghị cách chức.
Theo quy định tại Điều 89 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Kiểm sát viên đương nhiên bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Kiểm sát viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm trong khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
b) Vi phạm quy định tại Điều 84 của Luật này;
c) Vi phạm về phẩm chất đạo đức;
d) Có hành vi vi phạm pháp luật khác.
Mọi vướng mắc pháp lý về tố tụng hình sự, Hãy gọi ngay: 0966456678 để được luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến.
Trân trọng./.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐẠT ĐIỀN BÌNH TÂN – 0966.456.678