Luật sư Tư vấn luật thừa kế nhà đất : Mở thừa kế là gì? Cách chia tài sản thừa kế sau khi mở thừa kế

Khái niệm mở thừa kế được hiểu như thế nào ? Thời điểm mở thừa kế được xác định như thế nào ? Cách thức phân chia tài sản, di sản thừa kế sau khi mở thừa kế ? … và các vấn đề khác liên quan sẽ được luật sư tư vấn cụ thể:

1. Mở thừa kế là gì? Quy định pháp luật về mở thừa kế

Khái niệm mở thừa kế được hiểu là việc bắt đầu hình thành trên thực tế quan hệ thừa kế.
Mở thừa kế là một trong các quy định cơ bản của pháp luật về thừa kế gồm các quy định về thời điểm mở thừa kế và địa điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Đối với người bị Toà án tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày mà Toà án xác định là người đó đã chết; nếu không xác định được ngày đó, thì thời điểm mở thừa kế là ngày mà quyết định của Toà án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật. Các quan hệ pháp luật về thừa kế chỉ phát sinh từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế giúp xác định chính xác tài sản, quyền và nghĩa vụ của người để lại dị sản; xác định những người có quyền thừa kế di sản, thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, hiệu lực pháp luật của di chúc…

Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản hoặc là nơi có toàn bộ hay phần lớn di sản. Địa điểm mở thừa kế quyết định cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc về thừa kế như: kiểm kê tài sản của người đã chết (trong trường hợp cần thiết), thực hiện việc quản lí dì sản, xác định những người thừa kế, ghi nhận việc từ chối nhận di sản và đặc biệt là cơ quan giải quyết các tranh chấp về thừa kế mà theo quy định của pháp luật là thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân nơi. mở thừa kế.

2. Chuyển quyền sở hữu tài sản cho những người thừa kế?

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Gia Đình tôi có 5 người: cha, mẹ và 3 anh em. Năm 2009 cha tôi mất. Năm 2014 gia đình tôi có làm sổ đỏ căn nhà tại Q.Bình Tân, trong sổ đỏ đứng tên mẹ tôi, nhưng lại ghi là người đại diện cho những người thừa kế.
Vậy gia đình muốn chuyển quyền sở hữu cho anh của tôi thì phải làm những thủ tục gì? Nếu chuyển được cho anh của tôi thì phải mất thời gian bao lâu? Tất cả các chi phí nhu thế nào?
Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Năm 2009 cha bạn mất thì thời điểm mở thừa kế là năm 2009. Năm 2014 gia đình bạn có làm sổ đỏ căn nhà tại Q.Bình Tân, trong sổ đỏ đứng tên mẹ bạn, nhưng lại ghi là người đại diện cho những người thừa kế. Như vậy, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà cha bạn để lại thừa kế thuộc về những người thừa kế (việc mẹ bạn đứng tên đại diện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của những người thừa kế). Điều 5 khoản 4 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận như sau:

“Điều 5. Thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận

4. Trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà những người được hưởng thừa kế có văn bản thỏa thuận chưa phân chia thừa kế và đề nghị cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế thì cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đó. Văn bản thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi “Là người đại diện của những người được thừa kế gồm:… (ghi lần lượt tên của những người được thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)”.

Trong trường hợp cha bạn để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia theo di chúc (đảm bảo quyền được hưởng ít nhất 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật của con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con đã thành niên mà không có khả năng lao động vào thời điểm mở thừa kế, căn cứ bộ luật dân sự 2015).

Trong trường hợp cha bạn không để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia đều cho mẹ bạn và ba anh em bạn (hàng thừa kế thứ nhất). Điều 651BDS 2015 quy định cụ thể như sau:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

1. Về thủ tục tặng cho phần di sản thừa kế:

Gia đình bạn muốn tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho anh trai bạn thì cần phải tiến hành các thủ tục sau đây:

(1) Thủ tục khai nhận di sản thừa kế

– Chủ thể tiến hành: Tất cả những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của bố bạn.

– Cơ quan tiến hành: Bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.

– Bộ hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Giấy chứng tử của cha bạn;

+ Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;

+ Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh của anh/em bạn; giấy đăng ký kết hôn của cha mẹ bạn …).

– Thủ tục:

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.

Sau thời gian niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 57 Luật công chứng 2014. Trong văn bản, những người thừa kế khác có thể tặng cho toàn bộ quyền hưởng di sản cho anh trai bạn để anh trai bạn có quyền sử dụng toàn bộ thửa đất và ngôi nhà do cha bạn để lại.

(2) Thủ tục sang tên anh trai bạn trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).

– Chủ thể tiến hành: Anh trai bạn.

– Cơ quan tiến hành: Văn phòng đăng ký đất đai.

– Hồ sơ:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;

+ Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;

+ Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh của anh/em bạn; giấy đăng ký kết hôn của cha mẹ bạn …).

– Trình tự, thủ tục:

+ Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

+ Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:

Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;

Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;

Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

2. Về phí, lệ phí:

(1) Mức phí công chứng văn bản khai nhận di sản

(2) Phí, lệ phí sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Khi tiến hành thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất – Phòng tài nguyên và môi trường thì anh trai bạn phải nộp các khoản chi phí sau:

– Thuế thu nhập cá nhân do nhận tặng cho quyền sử dụng đất (theo khoản 10 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân). Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân thì anh trai bạn thuộc trường hợp được miễn thuế (thu nhập từ nhận tặng cho bất động sản giữa mẹ đẻ với con đẻ, anh, chị, em ruột với nhau.).

– Lệ phí trước bạ khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng/ quyền sở hữu: nộp theo quy định tại Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 về lệ phí trước bạ, mức thu là 0,5% giá trị nhà đất. Tuy nhiên, theo Khoản 10 Điều 4 Nghị định này thì anh trai bạn thuộc trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ: “Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu”.

– Ngoài ra, bạn còn có thể phải nộp lệ phí địa chính khác do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức được uỷ quyền giải quyết các công việc về địa chính theo quy định tại Điều 3 khoản 2 điểm b Thông tư 02/2014/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể như sau:

b.3. Lệ phí địa chính
– Lệ phí địa chính là khoản thu vào tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức được ủy quyền giải quyết các công việc về địa chính.
– Mức thu: Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc sau:
+ Mức thu tối đa áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh, như sau:
* Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất:
Mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy đối với cấp mới; tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.
Trường hợp giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 25.000 đồng/giấy cấp mới; tối đa không quá 20.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.
* Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai: Không quá 28.000 đồng/1 lần.
* Trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính: Không quá 15.000 đồng/1 lần.
+ Mức thu áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các khu vực khác: Tối đa không quá 50% mức thu áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh.

+ Miễn nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trước ngày Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có hiệu lực thi hành (ngày 10/12/2009) mà có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận.
+ Miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh được cấp giấy chứng nhận ở nông thôn thì không được miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi. Trân trọng./.

3. Thắc mắc về chia thừa kế cho con riêng ?

Thưa luật sư tôi có một số vướng mắc như sau mong được giải đáp :
1. Chồng tôi có con riêng với bồ, tôi dã đọc tham khảo qua mạng và được biết con riêng của chồng tôi sau này cũng được chia tài sản trong khối tài sản chung của chúng tôi. vậy nếu chồng tôi viết di chúc là để lại toàn bộ tài sản cho hai con tôi có được không ?
2. Nếu chồng tôi không đồng ý viết di chúc thì tôi không cho đứng tên các tài sản khác là của hai vợ chồng sợ sau này lại phải chia có được không ?
3. Trường hợp vợ chồng tôi chỉ đứng tên 1 căn nhà là của chung thì căn nhà đó có bắt buộc phải chia ko sau khi vợ chồng tôi mất. mà đứa con riêng đòi bán để chia còn hai con tôi không đồng ý thì có bắt buộc phải chia ko ?
4. Trường hợp bố mẹ chồng tôi cho đất cho con cái nếu bố mẹ viết di chúc là cho tôi và hai con tôi mà không cho chồng tôi có được không. hoặc có cho mà cho ít có được không ?
5. Trường hợp vợ chồng tôi có mua một mảnh đất của bà họ hàng nhà chồng tôi và tôi muốn bà sang tên cho hai con trai tôi có được không (1 cháu 8 tuổi và 1 cháu 13 tuổi) ?
6. Trường hợp tôi có tiền tiết kiệm là tiền mặt đứng tên tôi nhưng ko may tôi bị làm sao đó thì ai là người được hưởng số tiền đó. nếu tôi viết rõ lại là số tiền đó để cho hai con có được không ?
Cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến, gọi: 1900.6162

Trả lời:

1. Nếu chồng viết di chúc không để lại tài sản cho con riêng thì con riêng có được chia thừa kế không ?

Nếu chồn bạn viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho hai con của bạn thì người con riêng kia sẽ không được hưởng di sản nữa trừ trường hợp quy định tạiBỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, nếu người con riêng đó là con chưa thành niên ( dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì kể cả chồng bạn để lại di chúc chỉ cho hai con của bạn người con riêng đó vẫn sẽ được hưởng di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế.

Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động

.”

2. Nếu chồng tôi không đồng ý viết di chúc thì tôi không cho đứng tên các tài sản khác là của hai vợ chồng sợ sau này lại phải chia có được không.

Tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014:

“Điều 33 Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Theo đó tài sản chung của hai vợ chồng sẽ là tài sản cùng làm ra trong thời kì hôn nhân trừ các tài sản được quy định tại Điều 43 LHNGĐ sẽ là tài sản riêng của vợ chồng. Như vậy đối với tài sản hai vợ chồng cùng làm ra trong thời kì hôn nhân kể cả bạn không cho chồng bạn đứng tên thì số tài sản này vẫn được xác định là tài sản chung việc đứng tên chỉ là đại diện đứng tên do đó số tài sản này vẫn sẽ được phân chia theo trường hợp chia tài sản chung mỗi người có phần quyền bằng nhau trong số tài sản này.

“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luậtnày; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

3. Trường hợp vợ chồng tôi chỉ đứng tên 1 căn nhà là của chung thì căn nhà đó có bắt buộc phải chia ko sau khi vợ chồng tôi mất mà đứa con riêng đòi bán để chia còn hai con tôi không đồng ý thì có bắt buộc phải chia không ?

Nếu vợ chồng bạn không để lại di chúc về việc phân chia số tài sản chung thì việc phân chia thừa kế sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của những người được hưởng thừa kế, trường hợp không thỏa thuận được sẽ được chia thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 676 LDS, theo đó người con riêng là con đẻ của chồng bạn có quyền được chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với phần tài sản thuộc sở hữu của chồng bạn, trường hợp hai con của bạn không đồng ý chia thì người con riêng vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với phần tài sản thuộc thừa kế của mình.

“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

4. Trường hợp bố mẹ chồng tôi cho đất cho con cái nếu bố mẹ viết di chúc là cho tôi và hai con tôi mà không cho chồng tôi có được không. hoặc có cho mà cho ít có được không.

Người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc bao gồm cha, mẹ, vợ, chồng,con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, chồng bạn không thuộc một trong các trường hợp trên nên bố mẹ chồng bạn để lại di chúc cho bạn và hai cháu không cho chồng bạn hoàn toàn hợp pháp.

5. Trường hợp vợ chồng tôi có mua một mảnh đất của bà họ hàng nhà chồng tôi và tôi muốn bà sang tên cho hai con trai tôi có được không (1 cháu 8 tuổi và 1 cháu 13 tuổi)

Hai con của bạn đều chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trường hợp bạn muốn sang tên quyền sử dụng đất cho hai con cần phải có người đại diện theo pháp luật đứng ra thực hiện các giao dịch dân sự theo Điều 20 LDS :

“Điều 20. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi

1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Người đại diện cho hai con của bạn có thể là cha hoặc mẹ, trường hợp này bạn nếu làm hợp đồng tặng cho thì bạn sẽ vừa đứng bên tặng cho vừa đứng bên nhận tặng cho với tư cách là người đại diện cho hai con. Như vậy là vi phạm khoản 5 Điều 144 BLDS: “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy nếu bạn muốn tặng cho hai con mảnh đất trên bạn có thể yêu cầu văn phòng công chứng lập cho bạn hợp đồng về việc cam kết tặng cho quyền sử dụng đất cho hai con trong tương lai, khi hai con đủ tuổi thành niên sẽ tiến hành các thủ tục sang tên quyền sử dụng đất.

6. Trường hợp tôi có tiền tiết kiệm là tiền mặt đứng tên tôi nhưng ko may tôi bị làm sao đó thì ai là người được hưởng số tiền đó, nếu tôi viết rõ lại là số tiền đó để cho hai con có được không.

Nếu số tiền tiết kiệm này không phải là tài sản hai vợ chồng cùng làm ra trong thời kì hôn nhân mà là tài sản bạn có được trước thời kì hôn nhân hay tặng cho riêng thừa kế riêng hay nói các khác là tài sản riêng của bạn theo quy định tại Điều 43 LHNGĐ nếu không may bạn bị làm sao đó mà không để lại di chúc hợp pháp số tiền này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật những người được hưởng bảo gồm chồng, cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ của bạn mỗi người được một phần bằng nhau. Đồng thời bạn hoàn toàn cố thể viết rõ di chúc để lại toàn bộ số tiền này cho hai con và hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu số tiền này là tài sản chung của hai vợ chồng cùng làm ra trong thời kì hôn nhân theo Điều 33 LHNGĐ kể cả chỉ đứng tên một mình bạn thì bạn chỉ có quyền định đoạt đối với một nửa số tiền này, một nửa thuộc quyền của chồng bạn. Nếu bạn không may làm sao và không để lại di chúc thì một nửa số tiền này sẽ được phân chia theo pháp luật những người được hưởng bảo gồm chồng, cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ của bạn mỗi người được một phần bằng nhau, một nửa còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu của chồng bạn.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Đạt Điền.

4. Có được chia tài sản thừa kế cho người nước ngoài ?

Kính gửi luật sư: Tôi là người Việt Nam định cư tại Mỹ đã trên 35 năm. Bố tôi trước có chia gia tài cho anh em chúng tôi nhưng không lập di chúc. Bố tôi đã mất khoảng 14 năm và mẹ tôi mất khoảng hai năm. Bây giờ anh em chúng tôi quyết định bán đất và chia cho anh em theo cổ phần mà bố tôi đã để lại. Bố tôi chết không để di chúc nhưng khi mẹ tôi qua đời thì có di chúc giao quyền sử dụng đất cho anh và chị của tôi ở Việt Nam.
Dù không có tên tôi trong di chúc nhưng anh em tôi vẫn muốn chia theo lời dặn dò của bố mẹ. Xin hỏi sau khi bán đất tôi có thể mang giá trị tài sản phần của tôi ra khỏi nước được không? Và phải cần làm những giấy tờ gì để tôi có thể chuyển tiền một cách hợp pháp?
Chân thành cám ơn luật sư!

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự gọi : 1900.6162

Trả lời: Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài:

1. Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.

2. Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

3. Di sản không có người thừa kế là bất động sản thuộc về Nhà nước nơi có bất động sản đó.

4. Di sản không có người thừa kế là động sản thuộc về Nhà nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.

1) Theo thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi: Bạn là người thừa kế theo pháp luật, là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Do đó khi nhận giá trị di sản thừa kế bạn hoàn toàn có quyền được chuyển số tiền đó ra nước ngoài theo quy định tại Điều 8 PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI 2005 sửa đổi bổ sung 2014. Cụ thể, công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được liên hệ với Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối để làm thủ tục chuyển, mang ngoại tệ (có được do thừa kế) ra nước ngoài:

Điều 8 Pháp lệnh ngoại hối quy định về chuyển tiền một chiều:

1. Ngoại tệ của người cư trú là tổ chức ở Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều phải được chuyển vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép.

2. Ngoại tệ của người cư trú là cá nhân ở Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép; trường hợp là công dân Việt Nam thì được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép.

3. Người cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ cho các nhu cầu hợp pháp.

4. Người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài có ngoại tệ trên tài khoản được chuyển ra nước ngoài; trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài.

2) Hồ sơ để làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài bao gồm các loại giấy tờ sau:

+ Đơn xin chuyển, mang ngoại tệ (theo mẫu của Ngân hàng);

+ Bản chính hoặc bản sao công chứng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia thừa kế hoặc di chúc, văn bản thỏa thuận giữa những người thừa kế hợp pháp;

+ Văn bản ủy quyền của người thừa kế (có công chứng, chứng thực) hoặc tài liệu chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của người xin chuyển, mang ngoại tệ.

+ Bản sao giấy chứng minh nhân dân (đối với trường hợp xin chuyển ngoại tệ) hoặc bản sao hộ chiếu (đối với trường hợp xin mang ngoại tệ).

+ Về mức ngoại tệ tiền mặt được chuyển.

Theo quy định tại TThông tư số 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam : Quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt khi xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam chỉ được phép mang theo người lượng ngoại tệ tiền mặt (bao gồm tiền giấy, tiền kim loại, séc du lịch) ở mức 5.000 USD. Trường hợp vượt quá mức quy định trên thì phải khai báo hải quan cửa khẩu và xin giấy phép của Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối.Trong trường hợp được phép mang, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được chuyển theo Nghị định số 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối. Hồ sơ bao gồm:

– Đơn xin chuyển ngoại tệ ra nước ngoài (theo mẫu của ngân hàng)

– Bản chính hoặc bản sao, chứng thực văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia thừa kế hoặc di chúc, văn bản thỏa thuận giữa những người thừa kế hợp pháp.

– Văn bản ủy quyền của người thừa kế (có công chứng, chứng thực) hoặc tài liệu chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của người xin chuyển ngoại tệ.

– Giấy CMND/Hộ chiếu còn giá trị của người chuyển (Bản sao kèm bản gốc để đối chiếu)

– Giấy tờ chứng minh người hưởng thừa kế đang định cư hợp pháp tại nước ngoài (bản sao chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Nếu giấy tờ không được lập bằng tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật.

5. Cháu gái có quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế không ?

Thưa luật sư, Tôi có một vấn đề mong luật sư giải đáp: Ông T và bà H không có con ông bà đã nhận hai cháu là con của hai em gái ông t về làm con nuôi. Một cháu trai sinh 1952 về ở với ông bà khi 7 tuổi, cháu gái sinh 1962 ông bà t / h nhận về nuôi khi 1 tuổi, đến 1972 cháu trai đi học đại học, sau khi ra trường đi công tác ổ nhiều nơi và cuối cùng về công tác tại địa phương và ở cùng bố mẹ nuôi.

Cháu gái đến 1982 cũng đi học cao đẳng, ra trường cháu được phân công công tác ở địa phương khác cho đến lúc nghỉ chế độ,quan hệ bố mẹ nuôi con nuôi không thay đổi cả về mặt pháp lý lẫn tình cảm, năm 1988 ông t đột ngột qua đời vì xuất huyết não không để lại di chúc , cả hai con nuôi và bà h đều không yêu cầu chia di sản của ông t bà h vẫn quản lý sở hữu toàn bộ tài sản của hai ông bà, tài sản của hai ông bà gồm có; 1006 mét vuông đất thổ cư, một căn nhà cấp 4, môt, nhà 3 tầng nhà 3 tầng làm sau khi ông t chết,, tháng 6 năm 2003 bà h bị tai biến mạch máu não sau 2 lần cấp cứu bà thành người thực vật đi lại bằng xe lăn và nằm bất động cho đến khi mất là tháng 1 năm 2011,lúc này con trai nuôi đã nghỉ hưu và ở cùng nhà nên đương nhiên sử dụng, quản lý toàn bộ tài sản của bố mẹ nuôi để lại tháng 8 năm 2011 cháu gái về ở tại căn nhà cấp 4 và yêu cầu chia di sanrmaf bố mẹ nuôi để lại , nhưng cháu trai nguyên là một giám đốc nghỉ hưu đã đuổi em gái của mình đi bằng cách khóa cổng cắt điện, tháo hết cánh cửa…

Lý do ông nguyên giám đốc này đưa ra là ông đã được cấp sổ đỏ vao tháng 12 năm 2003 tức là vào lúc bà h đã và đang điều trị tai biến mạch máu não,đồng thời ông công bố một bản di chúc mà ông nói của bà h với nội dungcho ông toàn bộ tài sản trong di chúc này không nhắc gì đến người con gái cả, cháu gái làm đơn đến ubnd phường yêu cầu với lý do cháu khẳng định rằng di chúc là giả mạo, việc cấp sổ đỏ cho anh trai là trái pháp luật vì không có hợp đồng chuyển giao tặng cho tài sản của chủ sở hữu là mẹ nuôi của hai người còn căn cứ vào di chúc thì di chúc dù rằng là thật thì di chúc vào thời điểm đó chưa có hiệu lực pháp luật vì bà h năm 2011 mới mất.

Sau nhiều lần hòa giải tại phường mọi người đều yêu cầu ông anh nen chia cho em nhưng ông này kiên quyết không nghe, do vậy cháu gái đã làm đơn khởi kiện ra tòa án đòi chia di sản thừa kế theo pháp luật tòa án đã thụ lý giải quyết cháu đã nộp tiền tạm ứng án phí,trong thời gian tòa thụ lý cháu đã chứng minh được chữ ký trong di chúc mà ông anh xuất trình không phải lá chữ ký của mẹ,cháu chứng minh bằng cách có đơn yêu cầu trưng cầu giám định chữ ký trong di chúc với nguyên mẫu chữ ký của mẹ còn lưu giữ tại cơ quan bảo hiểm trong các bản lĩnh lương tuất của chồng bà mà khi còn khỏe mạnh bà thường ký nhận,phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh dã có văn bản kết luận,chữ ký trong di chúc và chữ ký trong bảng lĩnh lương tuất không phải do một người ký.

Với những tình tiết như trên tôi xin hỏi cháu gái khởi kiện đòi chia di sản thừa kế theo pháp luật,có chính đáng không?

Di sản thừa kế là toàn bộ tài sản của hai ông bà hay chỉ chia phần tài sản của bà vì như một cán bộ tòa án giải thích ông đã chết từ 1988 nên phần tài sản của ông không chia mà ông anh là người đang ở sử dụng và quản lý sẽ được hưởng tất và đề nghị cháu gái hòa giải theo hướng đó ?

Tôi năm nay 66 tuổi là cb hưu trí tôi được cháu gái ủy quyền đại diện đẻ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cháu.

Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong sự phản hồi từ các Quý Luật sư Công ty tư vấn Luật Đạt Điền. Tôi rất mong nhận được lời tư vấn vào địa chỉ email này. Kính thư!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *