Ly hôn đơn phương nhưng vợ hoặc chồng không đồng ý ký đơn xử lý thế nào ?

Một trong những hành vi thường gặp trong các vụ việc giải quyết ly hôn đơn phương là: Bị đơn (người không đồng ý ly hôn có thể là vợ, hoặc chồng) tìm mọi cách để không ký đơn ly hôn, không đến tòa án thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật. Vậy, trường hợp này giải quyết thế nào?

1. Cách ly hôn đơn phương khi một bên không đồng ý ?

Thưa luật sư, tôi muốn hỏi: Tôi muốn ly hôn đơn phương mà đối phương (Vợ/chồng) không đồng ý ký vào đơn thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào? Có đơn phương ly hôn được không và cần những thủ tục gì?Cảm ơn luật sư nhiều!

Người gửi: Thủy Vương

Trả lời:

Bạn muốn ly hôn đơn phương mà đối phương (Vợ/chồng) không đồng ý kí vào đơn thì xử lý như thế nào?

Theo Điều 51 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Do đó, nếu đối phương (vợ hoặc chồng) không đồng ý ký vào đơn thì bên còn lại có thể làm đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Về thủ tục đơn phương ly hôn (ly hôn theo yêu cầu của một bên) được nộp tại tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi người còn lại đang cư trú theo khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Hồ sơ ly hôn đơn phương, bao gồm:

1. Đơn xin ly hôn, có xác nhận của UBND cấp xã về hộ khẩu và chữ ký của bạn. Trong đơn bạn cần trình bày các vấn đề sau:

– Về kết hôn: Ở đâu? Thời gian? Kết hôn có hợp pháp không? Mâu thuẫn xảy ra khi nào? Mâu thuẫn chính là gì? Vợ chồng có sống ly thân không? Nếu có thì sống ly thân từ thời gian nào tới thời gian nào?

– Về con chung ( nếu có): Cháu tên gi? Sinh ngày tháng năm nào? Nay xin ly hôn bạn có yêu cầu gì về giải quyết con chung (có xin được nuôi cháu không, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha cháu như thế nào)?

– Về tài sản chung: Có những tài sản gì chung? có giấy tờ kèm theo (nếu có). Nếu ly hôn bạn muốn giải quyết tài sản chung như thế nào?

– Về nợ chung: Có nợ ai không? có ai nợ vợ chồng không? Tên, địa chỉ và số nợ của từng người? Bạn muốn giải quyết như thế nào?

2. Bản sao Giấy khai sinh của con ( nếu có con);

3Bản sao Giấy CMND, sổ hộ khẩu của bạn và của người chồng;

4Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Trường hợp không có bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thì bạn phải xin xác nhận của UBND cấp xã nơi đã đăng ký kết hôn.

5. Các giấy tờ chứng minh về tài sản: ví dụ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở…

Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án

+ Trong trường hợp không biết thông tin về nơi cư trú, làm việc của vợ/chồng bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết được quy tại điểm a, khoản 1, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Theo đó, “nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Tại điểm a, khoản 1, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền xét xử về hôn nhân (không có yếu tố nước ngoài) thuộc TAND cấp huyện, nên trường hợp này nguyên đơn nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình tại TAND cấp huyện nơi chồng chị cư trú, làm việc cuối cùng (nếu biết).

Lưu ý rằng, theo quy định của Điều 40 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:

“1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.”

+ Theo quy định tại khoản 5 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, nguyên đơn có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó nguyên đơn cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh về nơi cư trú cuối cùng của vợ/chồng cho tòa án nơi chị nộp đơn.

+ Khi nhận và thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của nguyên đơn, theo quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tòa án có nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự. Trong trường hợp này, tòa án sẽ thực hiện thủ tục niêm yết công khai để triệu tập bị đơn theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, như sau:

Nếu tòa triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà chồng chị cố tình không có mặt thì tòa lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Nếu chồng chị vẫn không có mặt tại phiên tòa thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn (theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

Như vậy, bạn cần nộp đơn xin ly hôn đơn phương đến tòa án có thẩm quyền theo các quy định chúng tôi viện dẫn ở trên để được tòa thụ lý giải quyết theo luật định.

2. Căn cứ ly hôn và thủ tục ly hôn đơn phương như thế nào ?

Chào luật sư, em muốn ly hôn đơn phương với chồng em nhưng anh ấy tỏ ra hung hăng và không đồng ý, chúng em có một bé gái 25 tháng tuổi. Vậy em có được quyền nuôi con không và phải làm thủ tục ly hôn như thế nào và trong phiên tòa xử em vắng mặt được không ạ?
Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:

2.1 Quy trình ly hôn và triệu tập đương sự đến tòa án

Căn cứ Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, theo đó, triệu tập hợp lệ lần một mà vắng mặt thì Tòa án tạm hoãn phiên tòa. Triệu tập hợp lệ lần hai mà không có lý do chính đáng thì Tòa án vẫn xét xử bình thường.

Trên thực tế, bị đơn (người không muốn ly hôn) tìm mọi cách để “chây” không chịu đến tòa án thì sẽ giải quyết theo quy định tại Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể:

“Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;

2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;

3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này.”

Như vậy, Tòa án vẫn giải quyết khi bạn vắng mặt tại tòa trong trường hợp bạn phải có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa.

2.2 Về quyền nuôi con sau khi ly hôn

Căn cứ theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Vậy trường hợp con bạn dưới 36 tháng tuổi thì sẽ được ở với mẹ, người cha không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con tùy theo thu nhập của cha và thỏa thuận giữa cha và mẹ.

3. Tư vấn quy trình và thủ tục thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương ?

Luật Đạt Điền tư vấn và giải đáp các vấn đề pháp lý phát sinh trong vấn đề ly hôn đơn phương, thủ tục ly hôn đơn phương và pháp luật về hôn nhân gia đình:

Trả lời:

Hồ sơ xin đơn phương ly hôn bao gồm:

– Đơn xin ly hôn

– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

– Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng;

– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng;

– Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở (nếu có)…

– Bản sao giấy khai sinh của con.

Các bước tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương tại tòa án:

+ Thụ lý đơn ly hôn (đơn khởi kiện): Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, sau 5 ngày làm việc Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 191 và Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

+ Hòa giải: Theo quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải thành thì tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị. Nếu hòa giải không thành Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Điều 208, 21, 212, 213, 220 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

+ Phiên tòa sơ thẩm: Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm. Theo đó các bên phải có mặt, nếu không có mặt thì áp dụng theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Nơi nộp đơn: Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc theo khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Thời gian giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương:

Thời gian giải quyết vụ án tùy thuộc vào việc giải quyết các nội dung quan hệ vợ chồng. Thông thường, thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; thời hạn mở phiên tòa sẽ từ 01 đến 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì vợ chồng bạn sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền lợi mọi mặt của con. Một số căn cứ có thể được xem xét như: điều kiện sống từ lúc cháu sinh ra đến khi ly hôn; đạo đức, lối sống có ảnh hưởng đến cuộc sống của cháu con sau này; điều kiện về kinh tế có thể bảo đảm cuộc sống cho con; điều điều kiện về chỗ ở và các điều kiện khác.

4. Hướng dẫn thủ tục ly hôn đơn phương, thuận tình ?

 Thưa luật sư, xin hỏi: Chúng tôi kết hôn được 03 năm và đã có con 02 tuổi. Vợ chồng tôi đều không có công ăn việc làm ổn định. Chồng tôi từng bị nghiện. Tôi muốn hỏi luật sư nếu tôi đơn phương ly hôn thì phí phải thanh toán là bao nhiêu, liệu tôi có giành được quyền nuôi con khi tôi không ổn định về công việc?
Xin cảm ơn!

=> Nếu bạn ly hôn không có tranh chấp gì về tài sản chung thì án phí là 300.000 đồng theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Con 02 tuổi được giao trực tiếp cho mẹ nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

5. Thủ tục ly hôn đơn phương do bị bạo lực gia đình ?

Gửi công ty Luật Đạt Điền, tôi có một vài thắc mắc về thủ tục ly hôn, xin phép hỏi và mong được giúp đỡ trả lời. Tôi và chồng kết hôn từ năm 2011, nay đã có một bé gái 04 tuổi, cuộc sống hôn nhận gặp nhiều sóng gió và cho tới nay không thể hòa thuận, chúng tôi cùng đồng thuận ly hôn. Chúng tôi đăng ký kết hôn tại quê chồng tôi là tỉnh Thái Bình nhưng vợ chồng tôi sống và làm việc ở Tp. Hồ Chí Minh (cũng đã 06 năm tính từ ngày kết hôn). Nay tôi muốn viết đơn ly hôn, thì có thể làm thủ tục tại thành phố Hồ Chí Minh hay là tôi phải gửi hồ sơ ly hôn về quê chồng tôi vậy ạ? Nếu có thể giải quyết ly hôn tại Tp. Hồ Chí Minh thì thủ tục như thế nào, cần những giấy tờ gì, chúng tôi hiện đang cư trú tại Quận Thủ Đức, và chồng tôi cũng đang làm việc tại Quận Thủ Đức. Tôi cũng muốn hỏi thêm về quyền nuôi con.
Con gái tôi năm nay 4 tuổi, tôi cũng muốn là người chăm lo cho bé. Chồng tôi công việc không đều đặn, thu nhập thấp, từ ngày kết hôn đến giờ tôi vẫn là người lo kinh tế chính trong gia đình. Chồng tôi có tính gia trưởng, bảo thủ, hút thuốc nhiều, khi nổi nóng hay đập đồ đạc, có khi đánh tôi (tuy không nhiều và quá bạo lực nhưng đối với tôi, tát vào mặt hay đạp vào người là điều không thể chấp nhận được). Dựa trên nhưng điều này tôi có thể có được quyền nuôi con hay không?
Mong lời giải đáp từ công ty, Xin chân thành cảm ơn.

=> Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, theo đó, vợ chồng sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền lợi mọi mặt của con. Một số căn cứ có thể được xem xét như: điều kiện sống từ lúc cháu sinh ra đến khi ly hôn; đạo đức, lối sống có ảnh hưởng đến cuộc sống của cháu con sau này; điều kiện về kinh tế có thể bảo đảm cuộc sống cho con; điều điều kiện về chỗ ở và các điều kiện khác.

Thưa luật sư, tôi và vợ tôi đăng ký kết kết hôn ở Phú Yên. Gia đình vợ tôi ở Hà Nam. Hiện tại, vợ tôi mở salon tóc tại nhà của tôi và sinh sống ở tại đây được 2 năm. Vì mâu thuẩn vợ chồng vợ tôi không thương lượng gì với tôi và gia đình tự ý đem con tôi về Hà Nam. Vợ tôi chưa nhập hộ khẩu vào gia đình tôi, còn con tôi thì nhập khẩu vào hộ khẩu gia đình tôi rồi. Vậy xin hỏi hiện tại nếu chúng tôi chưa ly hôn, tôi có đủ tư cách pháp lý để đòi lại con chờ tới khi vợ chồng tôi ly hôn ra tòa giải quyết không? Xin cảm ơn!

>> Khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Chính vì vậy, trong trường hợp này, bạn không thể khởi kiện đòi lại con được, nhưng bạn vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cha đối với con trong đó có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con.

Xin chào các luật sư! Tôi xin luật sư tư vấn giúp tôi, tôi cần làm gì để có thể làm thủ tục ly hôn với vợ tôi. Trường hợp của tôi như sau: Tháng 03/2014 chúng tôi kết hôn tại xã nơi tôi thường trú, quê chúng tôi cùng huyện khác xã. Tháng 04/2014 chúng tôi cùng chung sống và đi làm tại Tp. HCM, tôi làm kỹ sư xây dựng, vợ tôi là công nhân. Tháng 11/2015 vợ tôi bỏ nhà đi khi đang mang thai tháng thứ 3. Và gia đình vợ tôi có vào Tp. HCM cùng tôi đi tìm thì được biết cô ấy hiện đang sống chung với một người đàn ông khác. Tháng 01/2016 vợ tôi có nói về quê làm thủ tục ly hôn chứ không muốn sống chung với tôi, tôi đã ký giấy và cô ấy về quê làm thủ tục xin ly hôn. (Được biết từ phía gia đình cô ấy thì khả năng cô ấy chưa nộp đơn). Hiện tại, cô ấy đã sinh con được hơn 01 tháng và đang sinh sống với người đàn ông khác. Cô ấy cắt đứt liên lạc với tôi kể từ lúc bước chân ra đi. Tôi xin các luật sư tư vấn giúp tôi, tôi có thể làm thủ tục xin ly hôn khi tôi không giữ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được không? Và tôi cần làm thủ tục như thế nào? Trong thời gian chờ đợi, tôi xin chân thành cảm ơn. Trân trọng!

>> Trường hợp bạn không có bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bạn có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi bạn đăng ký kết hôn trước đây để xin cấp trích lục bản sao từ sổ gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của hai vợ chồng bạn trước đây đã đăng ký và được lưu giữ. Lưu ý khi nộp đơn lên tòa án cần nêu rõ lý do vì sao không có Giấy chứng nhận bản gốc, chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân của chồng và sổ hộ khẩu.

Em xin hỏi: em kết hôn được 05 năm chồng em là người Singapore, cuộc sống hạnh phúc nhưng vì em không xin được Thẻ tạm trú dài hạn ở Singapore nên phải đi lại giữa Singapore và Việt Nam. Vì như thế 02 năm trước chồng em có ngoại tình và em đã nhiều lần khuyên không kết quả và anh ấy rất tệ với em, cho đến bây giờ em có đủ chứng cứ ngoại tình và các video khi anh cùng cô ấy quan hệ tình dục tại nhà em. Như vậy, nếu em kiện và ly hôn tại Singapore sẽ được xử ra sao ?

>> Nếu muốn ly hôn tại Singapore, bạn cần tìm hiểu pháp luật của Singapore.

Thưa luật sư, xin hỏi: Sau khi ly hôn. Tôi phải nuôi hai đứa con. Thu nhập lương của chồng mỗi tháng là 10 triệu. Chồng tôi chỉ trợ cấp nuôi con 1.500.000 mỗi tháng. Mức trợ cấp này có hợp lý không? Xin cảm ơn!

>> Căn cứ Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Việc chồng bạn cấp dưỡng nuôi con 1.500.000 đồng mỗi tháng còn phải căn cứ vào thu nhập và khả năng thực tế của chồng bạn, mặc dù lương chồng bạn 10 triệu đồng mỗi tháng nhưng có thể anh ấy phải chi tiêu các khoản chi phí hợp lý khác cho bản thân của anh ấy như: tiền nhà, tiền xăng xe, điện thoại, tiền cấp dưỡng cho bố mẹ hay cấp dưỡng cho những người khác,… nên chúng tôi không thể khẳng định được ngay cho bạn với mức cấp dưỡng trên là hợp lý hay chưa. Nếu bạn nhận thấy việc cấp dưỡng là không hợp lý thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu để Tòa án giải quyết.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *