Luật sư giỏi TPHCM tư vấn tranh chấp nhà đất : Hậu quả pháp lý của áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM- CHI NHÁNH VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐẠT ĐIỀN LONG AN 

LUẬT SƯ LONG AN GIỎI UY TÍN  KINH NGHIỆM 22 NĂM CHUYÊN VỀ NHÀ ĐẤT TƯ VẤN CHO KHÁCH HÀNG  CÁC DẠNG TRANH CHẤP NHÀ ĐẤT TẠI TPHCM VÀ CÁC TỈNH LONG AN, TIỀN GIANG.

Số điện thoại Luật sư giỏi nhà đất TPHCM:

Hậu quả pháp lý của áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

10/04/2023 11:09 | 1 tuần trước

Trong số các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) được quy định theo pháp luật Việt Nam thì một trong số những biện pháp được nhiều đương sự đề nghị áp dụng nhất là biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp có thể dẫn đến một số hậu quả pháp lý nhất định. Các hậu quả pháp lý được xác định trên cơ sở áp dụng đúng hay không đúng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong nội dung bài viết, tác giả trình bày những vấn đề cơ bản của pháp luật liên quan đến hậu quả pháp lý của áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật.

Ảnh minh họa.

1. Dẫn nhập

Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong tố tụng dân sự. Các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời đã luôn được các nhà lập pháp quan tâm và ghi nhận trong các văn bản pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Chẳng hạn, như trong Bộ luật Dân sự và Thương sự tố tụng năm 1921; các văn bản hướng dẫn của TAND Tối cao, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động 1996.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp tố tụng do Tòa án áp dụng khi đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, tổ chức khởi kiện có yêu cầu hoặc do Tòa án chủ động áp dụng trong những trường hợp pháp luật cho phép nhằm mục đích tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự hoặc để bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc đảm bảo việc thi hành án.[1]

Với tư cách là một BPKCTT cụ thể, BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản tranh chấp là một BPKCTT được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.[2]

Việc áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản tranh chấp có nhiều ý nghĩa đối với Tòa án và đương sự. Về phía Tòa án, Tòa án là cơ quan thụ lý và giải quyết các tranh chấp của đương sự. Do những xung đột về lợi ích nên có trường hợp đương sự đã tẩu tán, hủy hoại tài sản đang tranh chấp. Việc tẩu tán, hủy hoại tài sản đang tranh chấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các đương sự mà còn gây khó khăn cho quá trình giải việc vụ việc của Tòa án. Đặc biệt, trong một số trường hợp, việc giải quyết vụ việc của Tòa án không còn ý nghĩa về mặt thực tế khi không còn tài sản để đảm bảo thi hành án. Do đó, nếu Tòa án áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp đúng và kịp thời sẽ giúp Tòa án thuận tiện trong việc giải quyết vụ việc dân sự, bảo đảm khả năng thi hành của bản án, quyết định sau khi có hiệu lực. Về phía đương sự, BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, đương sự là người trực tiếp chịu ảnh hưởng việc áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Nếu áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp đúng và phù hợp sẽ bảo vệ được lợi ích cấp bách trong trường hợp cần thiết, ổn định cuộc sống cho họ, giữ lại được tài sản tranh chấp tránh bị hủy hoại, tẩu tán, Tòa án có cơ sở, căn cứ để xác định được quyền lợi, nghĩa vụ cho các bên đương sự phù hợp với pháp luật.[3] Trường hợp áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp không đúng, lợi ích của đương sự sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ở nội dung ý nghĩa thứ nhất, khi Tòa án áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp đúng và kịp thời giúp Tòa án thuận tiện trong việc giải quyết vụ việc dân sự, bảo đảm khả năng thi hành của bản án, quyết định sau khi có hiệu lực nếu xét đến cùng cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của đương sự.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, quy định pháp luật hiện hành quy định khá chi tiết về hậu quả pháp lý của áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản tranh chấp. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định pháp luật vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục. Do đó, việc nghiên cứu quy định pháp luật, thực tiễn quy định pháp luật để từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hậu quả pháp lý của áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản tranh chấp là điều cần thiết.

2. Quy định pháp luật

Theo quy định pháp luật, hậu quả pháp lý của áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp đặt ra trong hai trường hợp cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là hợp pháp và phù hợp. Trong trường hợp này, BPKCTT góp phần đảm bảo quyền lợi của bên có yêu cầu và điều kiện thi hành án khi bản án hoặc quyết định có hiệu lực. Do đó, khi hủy quyết định áp dụng BPKCTT, Tòa án phải xem xét, quyết định để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá.[4]

Thứ hai, trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.[5] Bên cạnh đó, người có yêu cầu áp dụng BPKCTT có thể không được nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá. Quy định nêu trên nhằm bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Tuy nhiên, pháp luật không quy định Tòa án phải chịu trách nhiệm gì khi xác định số tiền để thực hiện biện pháp bảo đảm không tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng dẫn đến quyền lợi của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba bị ảnh hưởng.

3. Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật

Từ quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, trường hợp BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là phù hợp nhưng bên có yêu cầu đề nghị hủy bỏ BPKCTT thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ BPKCTT đã được áp dụng. Tương ứng với việc hủy bỏ BPKCTT, Tòa án phải xem xét, quyết định để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá.

Cụ thể, theo Bản án số 1055/2018/DS-PT ngày 23 tháng 11 năm 2018 của TAND Thành Phố Hồ Chí Minh về việc tranh chấp quyền sử dụng đất, nguyên đơn có nộp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là quyền sử dụng đất của phần đất thuộc thửa số 123, tờ bản đồ số 32 (SĐN) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H00728/2008/R ngày 07/3/2008 do bà Nguyễn Thị X (bị đơn) đứng tên tại địa chỉ 124/9 R, khu phố 17, phường R, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2017/QĐ –BPKCTT ngày 17/02/2017 của Tòa án nhân dân quận B). Tòa sơ thẩm quyết định tiếp tục duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2017/QĐ –BPKCTT ngày 17/02/2017 của Tòa án nhân dân quận B để đảm bảo thi hành án. Bị đơn bà Nguyễn Thị X nộp đơn kháng cáo, nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Nguyên đơn là ông Tôn Hữu N và bị đơn là bà Nguyễn Thị X có người đại diện theo ủy quyền là ông Trần Minh H đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Do đó, nguyên đơn đã “đề nghị Tòa án hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” đã được Tòa án nhân dân quận Bình Tân áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2017/QĐ-BPKCTT ngày 17 tháng 02 năm 2017 đối với tài sản đang tranh chấp là phần đất thuộc thửa số 123, tờ bản đồ số 32 (SĐN) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H00728/2008/R ngày 07/3/2008 do bà Nguyễn Thị X đứng tên tại địa chỉ 124/9 R, khu phố 17, phường R, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.” Trên cơ sở yêu cầu của nguyên đơn, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định “hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” khoản 7 Điều 114, Điều 121 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã được Tòa án nhân dân quận Bình Tân áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2017/QĐ-BPKCTT”. Tương ứng với việc hủy bỏ BPKCTT, Tòa án đã xem xét và quyết định “giải tỏa việc phong tỏa tài khoản đối với số tiền 30.000.000 đồng theo số tài khoản 6200601819826 ngày 14/02/2017 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Bình Tân do ông Tôn Hữu N đứng tên chủ tài khoản.” Như vậy, trong vụ án nêu trên, việc yêu cầu áp dụng BPKCTT của bên nguyên đơn là phù hợp. Do đó, khi hủy bỏ BPKCTT, Tòa án đã thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 138 BLTTDS 2015 khi quyết định giải tỏa việc phong tỏa tài khoản đối với số tiền 30.000.000 đồng của nguyên đơn.

Một trường hợp tương tự tại TAND thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Theo Quyết định số 01/2017/QĐ-BPKCTT ngày 31 tháng 8 năm 2017 của TAND Thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, Tòa án đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch (sang nhượng, tặng cho, thế chấp) quyền về tài sản đang tranh chấp là thửa đất số 255, tờ bản đồ số 35, diện tích 64m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 587895 cấp ngày 20/8/2002, tên người sử dụng đất bà Nguyễn Thị Kim H theo quy định tại khoản 7 Điều 114 của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc áp dụng BPKCTT là đúng đối tượng và cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Tuy nhiên, sau đó người yêu cầu có đề nghị hủy bỏ BPKCTT. Tòa án “xét thấy người yêu cầu đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định tại điểm điểm a, d khoản 1 Điều 138 của Bộ luật tố tụng dân sự” để hủy bỏ BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là thửa đất số 255, tờ bản đồ số 35, diện tích 64m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 587895 cấp ngày 20/8/2002, tên người sử dụng đất bà Nguyễn Thị Kim H theo quy định tại khoản 7 Điều 114 của Bộ luật tố tụng dân sự đã được Tòa án nhân dân thị xã Bình Long áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2017/QĐ-BPKCTT ngày 31tháng 8 năm 2017 trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Quyết định hủy bỏ BPKCTT số 01/2017/QĐ-BPKCTT ngày 20/9/2017). Bên cạnh quyết định hủy bỏ BPKCTT, tại Điều 2 của Quyết định, Tòa án cũng đã xem xét và trả lại cho bà Ngô Thị H và ông Ngô Văn B. sổ tiết kiệm có kỳ hạn 500.000.000 đồng (bản gốc) được bảo đảm bằng tài sản số dư của ngân hàng TMCP NA phòng giao dịch BL, Bình Phước.

Trên thực tế, việc hoàn trả tài sản ký quỹ, phong tỏa cho người có yêu cầu áp dụng BPKCTT còn được thực hiện cả trong trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng. Theo Bản án số 507/2019/HNGĐ-PT ngày 30/05/2019 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình thụ lý và giải quyết tranh chấp, Tòa án sơ thẩm đã ban hành Quyết định số 59/2018/QĐ-BPKCTT ngày 19/03/2018 về việc áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch về quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là Sạp P7, khu 1, chợ Tân Bình (Trung tâm thương mại Tân Bình), Phường 8, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (Nội dung của Quyết định số 59/2018/QĐ-BPKCTT đã được phân tích ở các phần trên). Sau khi xác định việc áp dụng BPKCTT không đúng đối tượng, Tòa án đã quyết định hủy bỏ BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp và hoàn trả số tiền ký quỹ bảo đảm cho bà Thương là 200.000.000 đồng. Sở dĩ Tòa án quyết định hoàn trả tiền ký quỹ cho bà Thương là do việc ngăn chặn chuyển dịch quyền về tài sản đối với Sạp P7, khu 1, chợ Tân Bình chưa gây ra thiệt hại thực tế cho bên bị đơn và bên thứ ba. Điều này phù hợp với quy định pháp luật và bản chất của việc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Người có yêu cầu bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm nhằm mục đích chi trả những thiệt hại thực tế phát sinh từ việc yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng. Nghĩa là nếu không có thiệt hại thực tế phát sinh thì không cần dùng đến tài sản bảo đảm và dĩ nhiên phải hoàn trả lại cho người có yêu cầu áp dụng BPKCTT.

Ngược lại, trường hợp người yêu cầu ngăn chặn người đang chiếm hữu hoặc sở hữu tài sản đang tranh chấp chuyển dịch quyền về tài sản không đúng và gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường. Một vụ việc thực tế ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã minh chứng cho quy định nêu trên.[6] Theo đó, vừa hoàn tất thủ tục ly hôn chưa đầy 1 năm, ông N.H.A. và bà M.T.L. tiếp tục đưa nhau ra tòa. Ông A. khởi kiện, đòi bà L. bồi thường hơn 2 tỉ đồng. Ông cho rằng đây là số tiền mình tổn thất do bà L. yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản trong lúc hai người giải quyết thủ tục ly hôn. Hội đồng xét xử nhận định khi đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà L. đã biết căn hộ không còn là tài sản chung và lường trước hậu quả nếu đề nghị sai căn cứ. Điều này thể hiện trong nội dung đơn yêu cầu bà gửi tòa án và việc đóng 2 tỉ đồng thực hiện biện pháp bảo đảm. Trong đơn khởi kiện cũng như tại phiên xử, ông A. chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra từ yêu cầu của bà L. Vì những lẽ trên, bà L. phải có trách nhiệm bồi thường hơn 2 tỉ đồng.

4. Một số bất cập của quy định pháp luật

Trên cơ sở phân tích quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về xử lý hậu quả pháp lý của áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, tác giả nhận thấy vẫn còn một số bất cập cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc xác định trách nhiệm pháp lý của Tòa án khi áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là chưa hợp pháp. Theo Điều 113, BLTTDS 2015, nếu việc áp dụng BPKCTT không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT thì trách nhiệm sẽ thuộc về chính người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT hoặc Toà án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT. Cụ thể, Tòa án chỉ chịu trách nhiệm trong bốn trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 113 BLTTDS 2015. Đối với trường hợp Tòa án tự mình áp dụng BPKCTT, trên thực tế nhu cầu áp dụng các BPKCTT mà Toà án có quyền tự mình áp dụng là rất thấp. Vì thế Toà án ít phải chịu trách nhiệm về trường hợp này. Đối với hai trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 113 BLTTDS (Toà án áp dụng BPKCTT khác với BPKCTT mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu; Toà án áp dụng BPKCTT vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu) thì cũng hiếm khi Toà án lại để mình rơi vào tình cảnh đó vì tốt nhất là người có quyền yêu cầu áp dụng áp dụng đến mức nào thì Toà án sẽ ra quyết định áp dụng BPKCTT đến mức đó. Chỉ như vậy, Toà án sẽ luôn ở thế an toàn, không phải lo về việc mình phải bồi thường. Riêng trường hợp cuối cùng là phù hợp với thực tiễn xét xử. Trước thời điểm BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành, thực tế áp dụng BPKCTT nói chung và cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp nói riêng cho thấy có một căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường mà các Toà án hay mắc phải là việc chậm ra hoặc không ra quyết định áp dụng BPKCTT để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể thì khoản 2 Điều 101 BLTTDS 2004 lại không đề cập. Theo tác giả, bỏ sót căn cứ này đã làm cho toàn bộ khoản 2 Điều 101 BLTTDS 2004 không phát huy được tác dụng và khiến cho khoản 2 Điều 101 chỉ là quy định mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của Tòa án chưa được xác định trong trường hợp Tòa án thiếu trách nhiệm trong việc xác định căn cứ, đối tượng áp dụng BPKCTT và giá trị tài sản thực hiện biện pháp bảo đảm dẫn đến thiệt hại của người bị áp dụng BPKCTT hoặc người thứ ba. Theo tác giả, trường hợp áp dụng BPKCTT không đúng mà không phải lỗi của người yêu cầu gây ra thiệt hại thì Tòa án phải có trách nhiệm bồi thường. Chỉ như vậy Tòa án mới có trách nhiệm hơn trong việc xem xét áp dụng BPKCTT và bảo vệ được quyền lợi của các bên liên quan.

Thứ hai, Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không xem xét, quyết định để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mặc dù không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng dân sự mà sau đó đợi có đơn yêu cầu mới xem xét, giải quyết.[7]

Thứ ba, BLTTDS 2015 và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP chưa hướng dẫn chi tiết việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bị áp dụng BPKCTT hoặc người thứ ba. Trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại trước hoặc trong phiên tòa sơ thẩm thì Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét giải quyết luôn hay phải tách ra thành vụ án riêng. Việc chưa có hướng dẫn rõ ràng nêu trên dẫn đến Tòa án và đương sự gặp khó khăn khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do áp dụng BPKCTT không đúng.

5. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

Trên cơ sở phân tích quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng, tác giả có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý hậu quả pháp lý của áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhằm khắc phục bất cập liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Tòa án khi áp dụng BPKCTT không đúng, tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 113 BLTTDS 2015 như sau:

“2. Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà không phải do lỗi của người yêu cầu gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường”.

Kiến nghị nêu trên đồng nghĩa với việc pháp luật không giới hạn 04 trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 113 BLTTDS.

Thứ hai, nhằm đảm bảo việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do áp dụng BPKCTT không đúng, tác giả kiến nghị bổ sung BLTTDS 2015 và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP quy định hướng dẫn chi tiết trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại trước hoặc trong phiên tòa sơ thẩm thì Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét giải quyết luôn trong cùng vụ án hay phải tách ra thành vụ án riêng.

6. Kết luận

Biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết đúng đắn vụ án dân sự. Theo đó, BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp giúp Tòa án thuận tiện trong việc giải quyết vụ án dân sự, bảo đảm khả năng thi hành của bản án sau khi có hiệu lực. Bên cạnh đó, BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp bảo vệ được lợi ích cấp bách trong trường hợp cần thiết, ổn định cuộc sống cho họ, giữ lại được tài sản tranh chấp tránh bị hủy hoại, tẩu tán, Tòa án có cơ sở, căn cứ để xác định được quyền lợi, nghĩa vụ cho các bên đương sự phù hợp với pháp luật.

Quy định pháp luật, xử lý hậu quả pháp lý của áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp vẫn còn tồn tại một số bất cập. Cụ thể, việc xác định trách nhiệm pháp lý của Tòa án khi áp dụng BPKCTT cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, BLTTDS 2015 và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP chưa hướng dẫn chi tiết việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bị áp dụng BPKCTT hoặc người thứ ba. Để khắc phục bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 112 BLTTDS theo hướng quy định trách nhiệm của Tòa án đối với trường hợp áp dụng BPKCTT không đúng mà không phải do lỗi của người yêu cầu gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường. Đồng thời, tác giả kiến nghị bổ sung BLTTDS 2015 và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP quy định hướng dẫn chi tiết trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại trước hoặc trong phiên tòa sơ thẩm thì Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét giải quyết luôn trong cùng vụ án hay phải tách ra thành vụ án riêng.

Tài liệu tham khảo

Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.

Bản án số 1055/2018/DS-PT ngày 23 tháng 11 năm 2018 của TAND Thành Phố Hồ Chí Minh về việc tranh chấp quyền sử dụng đất.

Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chánh án TAND Tối cao về một số sai sót cần rút kinh nghiệm trong việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Di Lâm, “Bồi thường hơn 2 tỉ đồng chỉ vì…một yêu cầu sai”, https://nld.com.vn/ky-su-phap-dinh/boi-thuong-hon-2-ti-dong-chi-vi-mot-yeu-cau-sai-20180605172424997.htm.

Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 14/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quyết định số 01/2017/QĐ-BPKCTT ngày 31 tháng 8 năm 2017 của TAND Thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nguyễn Thị Hoài Phương, NXB Hồng Đức, tr. 238-239.

 

[1] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nguyễn Thị Hoài Phương, NXB Hồng Đức, tr. 238-239

[2] Điều 121 BLTTDS 2015

[3] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2015), tlđd (2), tr.240

[4] Khoản 2 Điều 138 BLTTDS 2015

[5] Khoản 1 Điều 113 BLTTDS 2015

[6] Di Lâm, “Bồi thường hơn 2 tỉ đồng chỉ vì…một yêu cầu sai”, https://nld.com.vn/ky-su-phap-dinh/boi-thuong-hon-2-ti-dong-chi-vi-mot-yeu-cau-sai-20180605172424997.htm, truy cập ngày 15/10/2022

[7] Mục 1.4 Phụ lục Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chánh án TAND Tối cao về một số sai sót cần rút kinh nghiệm trong việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *