Giải đáp pháp luật về Luật Thi hành án hình sự

1. Chị Hạnh ở xã HP, thị xã HT hỏi: Việc thi hành án đối với người dưới 18 tuổi có đảm bảo nguyên tắc gì không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định nguyên tắc thi hành án hình sự như sau:

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án.

4. Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.

5. Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.

6. Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.

7. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

8. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định nêu trên, nguyên tắc thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.

2. Theo anh Bách được biết hệ thống cơ quan thi hành án hình sự gồm trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp huyện…Vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã có nằm trong hệ thống tổ chức thi hành án hình sự không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 11 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 hệ thống tổ chức thi hành án hình sự như sau:

1. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự bao gồm:

a) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;

b) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Cơ quan thi hành án hình sự bao gồm:

a) Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam);

b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh);

c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện);

d) Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).

3. Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm:

a) Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tinh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam);

b) Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội).

4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự.

Căn cứ quy định trên, Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, nằm trong hệ thống tổ chức thi hành án hình sự.

3. Anh Mạnh ở phường AH, thành phố H hỏi: Tôi là đại diện cho em Tuấn (17 tuổi) bị kết án đang tại ngoại. Vậy, trong thời gian bao lâu thì Tòa án gửi quyết định thi hành án phạt tù cho người chấp hành án?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 22 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về quyết định thi hành án phạt tù như sau:

1. Quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành quyết định thi hành án; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án; thời hạn chấp hành án phạt tù, thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung. Trường hợp người bị kết án đang tại ngoại, quyết định thi hành án phải ghi rõ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người bị kết án phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người đó làm việc.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

a) Người chấp hành án và người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi;

b) Viện kiểm sát cùng cấp;

c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

d) Trại tạm giam nơi người chấp hành án đang bị tạm giam hoặc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ hoặc đang tại ngoại;

đ) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở;

e) Bộ Ngoại giao trong trường hợp người chấp hành án là người nước ngoài.

Căn cứ quy định nêu trên, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định thi hành án, Tòa án sẽ gửi quyết định người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi.

4. Anh Nam cho biết em trai anh bị kết án phạt tù nhưng đang tại ngoại. Vậy, trong thời hạn bao lâu khi nhận được quyết định thi hành án phạt tù, em trai anh Nam phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 23 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về thi hành quyết định thi hành án phạt tù như sau:

1. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án, hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. Trường hợp người đang chấp hành án bị kết án về hành vi phạm tội khác thi trại giam tống đạt quyết định thi hành án của bản án mới cho người đó.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.

2. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam cấp quân khu thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thì trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án, hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Trường hợp người đang chấp hành án bị kết án về hành vi phạm tội khác thì trại giam tống đạt quyết định thi hành án của bản án mới cho người đó.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.

3. Trong thời gian chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù, người chấp hành án được hưởng chế độ như đối với phạm nhân.

4. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án; quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt; trường hợp người đó có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện trưng cầu giám định; trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Tòa án đã ra quyết định thi hành án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại chết thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu báo cáo Tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Căn cứ quy định nêu trên, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, em trai anh Nam phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

5. Chị Sương ở phường AD, thành phố H hỏi: Tôi là người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại và được hoãn chấp hành án phạt tù. Vậy, trong thời hạn bao lâu chị Sương có thể nhận được quyết định hoãn chấp hành án phạt tù?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 24 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù:

1. Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan.

2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

a) Người được hoãn chấp hành án và người đại diện trong trường hợp người được hoãn chấp hành án là người dưới 18 tuổi;

b) Viện kiểm sát cùng cấp;

c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được hoãn thi hành án cư trú, làm việc;

d) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở;

đ) Bộ Ngoại giao trong trường hợp người được hoãn chấp hành án là người nước ngoài.

Căn cứ quy định nêu trên, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, Tòa án sẽ gửi quyết định đó cho chị Sương.

6. Con trai anh Huy đang chấp hành án phạt tù tại trại giam M. Theo anh Huy được biết, người bị bệnh nặng thì được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Do đó, anh Huy hỏi: Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 36 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù như sau:

1. Thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được quy định như sau:

a) Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

c) Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.

2. Cơ quan có thẩm quyền nơi phạm nhân đang chấp hành án quy định tại khoản 1 nêu trên có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan đề nghị tạm đình chỉ, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.

4. Việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do người đã kháng nghị quyết định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

7. Anh Quân ở phường TH, thành phố H hỏi: Con trai tôi được trích xuất để phục vụ điều tra và thời gian trích xuất bằng thời gian chấp hành án phạt tù còn lại. Vậy, việc trả tự do cho phạm nhân trong trường hợp này được thực hiện như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 46 Luật Thi hành án hình sự  năm 2019 quy định về trả tự do cho phạm nhân như sau:

1. Hai tháng trước khi phạm nhân hết thời hạn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú, làm việc, Bộ Ngoại giao trong trường hợp phạm nhân là người nước ngoài. Nội dung thông báo bao gồm kết quả chấp hành án phạt tù, hình phạt bổ sung mà phạm nhân còn phải chấp hành và thông tin cần thiết khác có liên quan để xem xét, sắp xếp, tạo lập cuộc sống bình thường cho người đó.

Trường hợp không xác định được nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án hoặc cơ quan, tổ chức khác để tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù về cư trú.

2. Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoàn chỉnh thủ tục theo quy định của pháp luật để trả tự do cho phạm nhân; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho người đã chấp hành xong án phạt tù, cấp khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng, cấp tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú hoặc nơi làm việc; trả lại đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tiền, tài sản khác mà phạm nhân đã gửi tại nơi chấp hành án phạt tù quản lý.

3. Trường hợp phạm nhân được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử mà thời gian trích xuất từ 02 tháng trở lên và thời gian trích xuất bằng thời gian chấp hành án phạt tù còn lại thì cơ quan có thẩm quyền nhận phạm nhân được trích xuất có trách nhiệm thông báo theo quy định tại khoản 1 nêu trên, cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, trả tự do cho người được trích xuất và giải quyết các thủ tục, nghĩa vụ, quyền, lợi ích có liên quan của người được trích xuất theo quy định tại khoản 2 nêu trên nếu người đó không bị tạm giam về tội khác theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.

4. Phạm nhân là người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù thì được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan quản lý thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm thủ tục xuất cảnh.

5. Cơ quan đã cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù có trách nhiệm gửi giấy chứng nhận đó cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành các hình phạt bổ sung, cơ quan được thông báo quy định tại khoản 1 nêu trên và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự.

Như vậy, trường hợp phạm nhân được trích xuất để phục vụ điều tra và thời gian trích xuất bằng thời gian chấp hành án phạt tù còn lại thì việc trả tự do cho phạm nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Luật Thi hành án hình sự  năm 2019 nêu trên .

8. Anh Văn ở xã HT, thị xã HT, tỉnh TTH hỏi:  Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Vậy, Ủy ban nhân dân xã có nhiệm vụ phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 61 Luật Thi hành án hình sự  năm 2019 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự;

b) Yêu cầu người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

c) Biểu dương người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nhiều tiến bộ hoặc lập công;

d) Giải quyết cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và pháp luật về cư trú;

đ) Phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, gia đình và cơ quan, tổ chức nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện làm việc, học tập trong việc quản lý người đó;

e) Lập hồ sơ, có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị Tòa án cùng cấp xem xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách;

g) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành trong trường hợp người đó vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 của Bộ luật Hình sự;

h) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện khi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện bỏ trốn;

i) Nhận xét bằng văn bản quá trình chấp hành nghĩa vụ trong thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện;

k) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách.

2. Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 nêu trên.

3. Đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, i và k khoản 1 Điều 61 nêu trên;

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật Thi hành án hình sự  và pháp luật về cư trú;

c) Phối hợp với gia đình của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong việc quản lý người đó;

d) Lập hồ sơ, có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Tòa án cùng cấp xem xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách;

đ) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành trong trường hợp người đó vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 của Bộ luật Hình sự;

e) Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu khi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện bỏ trốn.

Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định nêu trên.

9. Anh Tú ở xã HP, thành phố H hỏi: Tôi được tha tù trước thời hạn có điều kiện và đang trong thời gian thử thách. Theo tôi được biết tôi có thể đề nghị rút ngắn thời gian thử thách. Vậy, để được rút ngắn thời gian thử thách thì phải đảm bảo các điều kiện gì? Có thể được rút ngắn thời gian thử thách trong một năm bao nhiêu lần?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 64 Luật Thi hành án hình sự (năm 2019) quy định về rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện như sau:

1. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;

b) Có nhiều tiến bộ trong thời gian thử thách.

2. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện mỗi năm có thể được rút ngắn thời gian thử thách 01 lần từ 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện còn lại dưới 03 tháng thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ít nhất ba phần tư thời gian thử thách, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 dưới đây.

3. Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là người dưới 18 tuổi, người đã lập công, người đã quá già yếu hoặc người bị bệnh hiểm nghèo và có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 nêu trên thì Tòa án có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

Như vậy, anh Tú có thể đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện nêu trên và mỗi năm có thể được rút ngắn thời gian thử thách 01 lần từ 03 tháng đến 02 năm.

10. Ông Hải có con trai (16 tuổi) đang chấp hành án tại trại giam N. Do con trai còn nhỏ tuổi nên ông Hải rất lo lắng muốn hỏi: Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được giam giữ theo chế độ riêng không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 74 Luật Thi hành án hình sự  năm 2019 quy định chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động như sau:

1. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được giam giữ theo chế độ riêng phù hợp với sức khỏe, giới tính và đặc điểm nhân thân.

2. Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người dưới 18 tuổi về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, học vấn, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với phạm nhân chưa học xong chương trình tiểu học.

Chương trình, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân dưới 18 tuổi do Chính phủ quy định.

3. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được lao động ở khu vực riêng và phù hợp với độ tuổi; không phải làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Căn cứ quy định nêu trên, phạm nhân là người dưới 18 tuổi được giam giữ theo chế độ riêng phù hợp với sức khỏe, giới tính và đặc điểm nhân thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *