Pháp luật quy định về thủ tục bảo lãnh người cai nghiện hồi gia được thực hiện như nào? Thủ tục bảo lãnh người cai nghiện về nhà.
Người cai nghiện có thể được bảo lãnh hồi gia nếu thuộc đối tượng: Học viên cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm HIV chuyển sang AIDS giai đoạn cuối (theo quy định và tiêu chí của ngành Y tế) cần có sự chăm sóc thường xuyên của gia đình; Học viên cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện có tiến bộ trong thời gian chấp hành quản lý tập trung tại cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, được thân nhân bảo lãnh xuất cảnh định cư ở nước ngoài hoặc trường học, tổ chức ở nước ngoài có văn bản đồng ý tiếp nhận vào làm việc, học tập; Học viên cai nghiện ma túy khi vào cơ sở chữa bệnh chưa đủ 18 tuổi nhưng khi kết thúc thời gian cai nghiện tập trung đã đủ 18 tuổi, không tự nguyện áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện…
Khi có yêu cầu, nguyện vọng hồi gia từ phía cá nhân và gia đình của học viên cai nghiện, thì các cơ sở quản lí, trung tâm cai nghiện phải căn cứ vào những điều kiện theo quy định của pháp luật để xét duyệt bảo lãnh cho người cai nghiện hồi gia.
Thủ tục bảo lãnh người cai nghiện hồi gia cơ bản được thực hiện theo các bước sau:
Người có yêu cầu, nguyện vọng bảo lãnh cho người cai nghiện hồi gia nộp đơn xin bão lãnh, người bảo lãnh được xác định trong đơn tùy từng trường hợp phải đáp ứng các điều kiện như:
Người ký đơn bảo lãnh hồi gia là một trong những người sau: vợ, chồng, cha, mẹ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được Ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn xác nhận; Người ký đơn bảo lãnh có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Người ký đơn bảo lãnh có cùng hộ khẩu với người được bảo lãnh tại nơi mà người được bảo lãnh có hộ khẩu trước khi vào cơ sở chữa bệnh…Kèm theo đó là các giấy tờ như giấy tiếp nhận người cai nghiện làm việc của một cơ sở giải quyết việc làm, giấy xác nhận địa phương nơi gia đình người bảo lãnh không còn tệ nạn ma túy, giấy xác nhận những người cùng hộ khẩu với người cai nghiện không có tiền án tiền sự liên quan đến ma túy. Hồ sơ này được nộp tại các cơ sở chữa bệnh, cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố. Và tùy trường hợp có thể phải nộp ở Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội.
Sau khi hoàn thành việc nộp hồ sơ, trong thời hạn 5 ngày làm việc, người bảo lãnh có thể nhận được thông báo từ nơi tiếp nhận hồ sơ về việc bổ sung hồ sơ hoặc từ chối bão lãnh.
Nếu trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc chấp thuận cho hồi gia, Giám đốc cơ sở chữa bệnh, cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện có trách nhiệm tổ chức giao nhận người được hồi gia cho người bảo lãnh hồi gia tại trụ sở chính của cơ sở và lập biên bản bàn giao có chữ ký giữa hai bên. Trường hợp người hồi gia là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện thì việc tổ chức bàn giao được thực hiện tại bệnh viện và biên bản bàn giao có chữ ký của bên bàn giao, người bảo lãnh hồi gia và Lãnh đạo bệnh viện.
Trên thực tế, thủ tục bão lãnh hồi gia cho người cai nghiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn đối với người bão lãnh, nhiều trường hợp cơ sở quản lí, cán bộ phụ trách ở địa phương người cai nghiện cư trú cố tình gây khó dễ trong việc xin các loại giấy xác nhận theo hồ sơ bảo lãnh. Vì vậy, việc quản lí công tác này đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương cần phải thắt chặt, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, để họ có thể hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, đảm bảo được quyền lợi của người cai nghiện và người bảo lãnh cai nghiện.
1. Thủ tục xác nhận hồ sơ thân nhân bảo lãnh người sau cai nghiện
Thủ tục xác nhận hồ sơ thân nhân bảo lãnh người sau cai nghiện được thực hiện theo các bước sau
– Trình tự thực hiện:
a. Tổ chức, cá nhân:
– Tự lập, hoàn thiện hồ sơ hoặc đến UBND xã, phường, thị trấn để được cung cấp hổ sơ, tư vấn, hướng dẫn, lập các giấy tờ có trong hồ sơ.
– Nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa” thuộc UBND xã, phường, thị trấn
– Nhận phiếu tiếp nhận hồ sơ, phiếu hẹn trả kết quả của UBND xã, phường, thị trấn
– Nhận kết quả giải quyết tại bộ phận “Một cửa” thuộc UBND xã, phường, thị trấn
b. UBND xã, phường, thị trấn
– Cung cấp hồ sơ.
– Tư vấn, hướng dẫn tổ chức, cá nhân lập các giấy tờ có trong hồ sơ
– Kiểm tra tiếp nhận hồ sơ hợp lệ
– Lập phiếu tiếp nhận hồ sơ, phiếu hẹn trả kết quả.
– Trả kết quả giải quyết.
– Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn
– Thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ bao gồm:
– Giấy xác nhận của Trung tâm cai nghiện.
– Chứng minh nhân dân của người bão lãnh, người nghiện.
– Bản cam đoan của người sau cai nghiện.
– Đơn xin bảo lãnh của người bảo lãnh.
b) Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
– Thời hạn giải quyết: 3 – 5 ngày
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định: UBND xã, phường, thị trấn
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: UBND xã, phường, thị trấn
d) Cơ quan phối hợp (nếu có): Không
– Kết quả của việc thực hiện thủ tục hành chính: Hồ sơ đã được xác nhận
– Lệ phí ( nếu có): Không
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có và đề nghị đính kèm): Không
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Đối tượng phải có hộ khẩu thường trú tại xã.
2. Người đang đi cai nghiện có được về chịu tang gia đình
Tóm tắt câu hỏi:
Em trai tôi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chưa hết thời hạn thì ba tôi mất, trước khi mất ba tôi rất muốn gặp em tôi nhưng không được, vậy tôi không biết là em tôi có được về chịu tang bố tôi hay không ? Tôi xin cảm ơm
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Nghị định 221/2013/NĐ-CP.
“Điều 29. Giải quyết chế độ chịu tang
1. Khi có bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con chết thì học viên được phép về để chịu tang. Thời gian về chịu tang tối đa không quá 05 ngày, không kể thời gian đi đường và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.
2. Gia đình học viên phải làm đơn đề nghị cho học viên về chịu tang có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi học viên cư trú gửi Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nội dung đơn phải nêu rõ họ tên, số chứng minh nhân dân, nơi cư trú, mối quan hệ với học viên, thời gian đề nghị cho học viên được về chịu tang và cam kết quản lý, giám sát không để học viên sử dụng ma túy trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác trong thời gian về chịu tang. Gia đình học viên có trách nhiệm đón học viên về và bàn giao học viên lại cho cơ sở cai nghiện bắt buộc khi hết thời gian chịu tang, mọi chi phí đưa đón học viên do gia đình học viên chi trả.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đơn, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm xem xét, quyết định việc cho học viên về chịu tang. Quyết định cho về phải được lập bằng văn bản, nêu rõ thời gian được về, trách nhiệm của gia đình trong việc đón, đưa và quản lý học viên trong thời gian về chịu tang. Quyết định được lập thành 03 bản: 01 bản gửi cho gia đình học viên, 01 bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để phối hợp quản lý và 01 bản lưu trong hồ sơ học viên.
4. Việc giao và nhận học viên giữa cơ sở cai nghiện bắt buộc với gia đình phải được lập thành biên bản ghi rõ họ tên học viên, thời gian, họ tên người giao, họ tên người nhận, biên bản lập thành 02 bản mỗi bên giữ một bản.
5. Hết thời hạn ghi trong quyết định tại Khoản 3 Điều này, học viên quay trở lại thì cơ sở cai nghiện bắt buộc phải thực hiện kiểm tra sức khỏe đối với học viên đó để có các can thiệp phù hợp. Trường hợp học viên không trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, gia đình bạn cần làm thủ tục theo trình tự trên để em bạn có thể về gia đình chịu tang.
3. Có thể bảo lãnh cho người bị đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chị tôi vừa bị cơ quan công an phường bắt vào ngày 25 tháng 5 năm 2016 tại nhà nghỉ thuộc địa bàn phường. Trong lúc đang ngủ thì bị kiểm tra phát hiện có một số dụng cụ mà phía bên Công an phường cho là có tính chất mua bán. Không hề phát hiện có ma túy hay chất gây nghiện trong người hoặc trong phòng nghỉ. Chị tôi được đưa về phường và kiểm tra thì phát hiện chị đã sử dụng ma túy đá. Phía bên cơ quan công an ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc trong khi chị tôi chưa từng có tiền án tiền sự gì về ma túy và trong lĩnh vực khác. Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp này gia đình có thể bảo lãnh chị tôi không? Và cách bảo lãnh như thế nào là đúng trình tự của pháp luật? Chị tôi đang bị cai nghiện bắt buộc tại cơ sở đều trị nghiện ma túy thuộc sở lao động thương binh xã hội tỉnh Đồng Nai. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và giúp đỡ.
Luật sư tư vấn:
Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định như sau về việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc:
Điều 3. Đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính gồm:
1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
2. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
Điều 96. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Như vậy, chị gái của bạn có thể bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc trong các trường hợp sau:
– Là người từ đủ 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện;
– Là người từ đủ 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định.
Nếu chị bạn thuộc một trong các trường hợp sau thì không bị áp dụng cai nghiện bắt buộc:
– Là người dưới 18 tuổi;
– Là người không có năng lực trách nhiệm hành chính (Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình- khoản 15 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính).
– Là người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
– Là người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Pháp luật không quy định việc bảo lãnh người bị cai nghiện bắt buộc ra khỏi trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên, nếu việc đưa chị gái bạn vào trung tâm cai nghiện bắt buộc trái với các quy định của pháp luật (như chúng tôi đã phân tích trên) thì gia đình bạn có quyền gửi đơn khiếu nại đến chính cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp đó, cụ thể là tòa án cấp huyện trong trường hợp này
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
Điều 105. Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Quy định về bảo lãnh người đang cai nghiện bắt buộc ra trại
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Anh tôi hiện đang bị giam ở cơ sở xã hội quận Bình Thạnh vì có sử dụng chất cấm (ma túy đá) bị bắt lần đầu, cho tôi hỏi có được bảo lãnh không? Cách bảo lãnh như thế nào? Ở phường nơi tạm trú không chứng đơn xác nhận tạm trú của anh tôi và yêu cầu công văn nơi bắt, khi qua thì lại yêu cầu có đơn xác nhận tạm trú mới lập hồ sơ bảo lãnh. Tôi đã làm rất nhiều lần mà không được. Cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
“Điều 96. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm:
+ Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dịch tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
+ Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phương, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được thực hiện theo quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thực hiện. Theo thông tin bạn cung cấp, anh trai bạn sử dụng ma túy bị bắt lần đầu, việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện như sau:
+ Nếu anh trai bạn có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hồ sơ đề nghị gồm có bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan;
+ Nếu không có cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xác minh; trường hợp xác định được nơi cư trú thì có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về địa phương để xử lý; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hồ sơ đề nghị gồm có biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người nghiện ma túy;
Trường hợp của anh trai bạn sử dụng ma túy lần đầu, có nơi cư trú ổn định, cụ thể là nơi tạm trú, thì cần phải xin xác nhận của địa phương nơi mà anh trai bạn đăng ký tạm trú. Anh trai bạn bị nghiện ma túy lần đầu, lại có nơi cư trú, thì trong trường hợp này, không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bạn có quyền làm đơn khiếu nại tới cơ quan công an xã nơi anh trai bạn tạm trú về việc không xác nhận tạm trú cho anh trai bạn. Bạn xem lại cơ quan nào ra quyết định đưa anh trai bạn vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì bạn khiếu nại trực tiếp tại cơ quan ra quyết định.
Về việc bảo lãnh người cai nghiện bắt buộc. Hiện nay, pháp luật không còn quy định về việc bảo lãnh người bị áp dụng biện pháp cơ sở cai nghiện bắt buộc mà chỉ có trưởng hợp hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật.
5. Bảo lãnh người cai nghiện cần những điều kiện gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Người yêu em là người Hải Phòng anh ấy đi hỗ trợ cho bên Công an nên có sử dụng 1 số chất kích thích trong quá trình làm viêc. Cách đây 1 tháng anh ấy có vào T.P Biên Hoà thăm em và bị Công an trong T.P Biên Hoà bắt giữ lúc đang đi ngoài đường lúc khuya và test trong nước tiểu có dương tính với ma túy. Trước đó anh ấy vừa đi làm ngoài Hải Dương. Bây giờ tôi muốn bảo lãnh anh ấy khỏi trung tâm cai nghiện liệu cần những thủ tục gì?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, đối tượng bị đưa vào cơ sở cai nghiện
Tại Điều 96 Luật xử phạt hành chính năm 2012 có quy định về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện như sau:
“Điều 96. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận”.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm:
– Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện;
– Người chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Trong trường hợp của bạn, chúng tôi xét thấy rằng, anh bạn của bạn không thuộc đối tượng bị đưa vào cơ sở cai nghiện. Đối tượng bị đưa vào cơ sở cai nghiện phải là đối tượng được quy định nêu trên.
Thứ hai, tại điều 19 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định về giảmthời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:
“Điều 19. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Học viên đã chấp hành một nửa thời hạn quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
Học viên có tiến bộ rõ rệt là người nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế, quy trình cai nghiện tại cơ sở, tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của cơ sở và được Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi tắt là Hội đồng) công nhận.
Học viên lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên;
2. Học viên bị mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai trong thời gian chấp hành quyết định thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
3. Trường hợp người đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc ốm nặng có xác nhận của bệnh viện mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời gian chấp hành quyết định; sau khi sức khỏe được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành; trong thời gian tạm đình chỉ thi hành quyết định mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
4. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất khi có học viên thuộc diện được giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị và tổ chức họp Hội đồng xem xét đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
5. Căn cứ danh sách học viên được đề xuất, Hội đồng xem xét, biểu quyết đối với từng trường hợp cụ thể và kết luận theo đa số. Trường hợp số phiếu biểu quyết bằng nhau thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định.
6. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ khi nhận được Biên bản họp của Hội đồng, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc lập hồ sơ đề nghị gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở xem xét quyết định.
Hồ sơ đề nghị gồm:
a) Văn bản đề nghị của Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc;
b) Danh sách học viên được đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại;
c) Biên bản họp Hội đồng;
d) Kết quả nhận xét, đánh giá hàng tháng của tổ, đội và bản thành tích của từng học viên được đề nghị;
đ) Giấy xác nhận của bệnh viện về tình trạng sức khỏe đối với các trường hợp ốm nặng, bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai.
7. Trong thời gian chờ Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định, nếu người được đề nghị có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Giám đốc cơ sở có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng và làm văn bản đề nghị đưa người đó ra khỏi danh sách xem xét giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn phần thời gian còn lại gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi nhận hồ sơ. Trường hợp đã có quyết định giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn phần thời gian còn lại nhưng chưa thi hành thì đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét hủy quyết định.
Căn cứ vào quy định này thì trường hợp của bạn, người bị đưa vào cơ sở cai nghiện sẽ không được bảo lãnh ra. Nếu thuộc đối tượng được quy định tại Điều 19 Nghị định 221/2013/NĐ-CP thì sẽ được giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.
6. Thủ tục bảo lãnh người bị bắt đi cai nghiện về nhà
Tóm tắt câu hỏi:
Chồng tôi là con một, cha mẹ đều không còn. Anh ở bên gia đình tôi nhưng không đăng ký tạm trú, nhà của anh đã cho thuê. Nay anh bị bắt đi cai nghiện bắt buộc ngày 14-06-2016 vì không nơi cư trú. Tôi muốn bão lãnh anh về được không? Anh bị lần đầu và gia đình anh bốn đời có công với cách mạng và ba mẹ anh nuôi giấu Bác Hồ khi Bác đóng ở Thái Lan (có giấy xác nhận). Hiện tinh thần anh có khi không bình thừơng và không kiểm soát được hành vi . Và không ai là người lấy tiền thuê nhà hàng tháng của anh. Vì nhà mặt tiền Nguyễn Trãi Q1 nên số tiền không nhỏ. Xin luật sư tư vấn giúp tôi?
Luật sư tư vấn:
Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong những biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với những người nghiện các chất ma túy được quy định cụ thể tại Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Điều 3 Nghị định 221/2013/NĐ-CP:
–Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
– Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Đồng thời tại điều 18 (Hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc), khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 19 (Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc) của Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 18. Hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện;
b) Gia đình có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Gia đình có khó khăn đặc biệt là gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không có tài sản có giá trị để tạo thu nhập phục vụ sinh hoạt hoặc có bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con bị ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là lao động duy nhất của gia đình đó và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành.
2. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định theo một trong các trường hợp sau đây:
a) Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện;
b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại Khoản 1 Điều này mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy;
Người tiến bộ rõ rệt là người tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Người lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Ủy ban nhân dân cấp xã khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên.
c) Đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện.
3. Thủ tục đề nghị hoãn miễn chấp hành quyết định:
a) Hồ sơ đề nghị hoãn miễn bao gồm:
Đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định của người phải chấp hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
Tài liệu chứng minh thuộc diện được hoãn, miễn chấp hành quyết định theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
b) Hồ sơ đề nghị gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 19. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Học viên đã chấp hành một nửa thời hạn quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
Học viên có tiến bộ rõ rệt là người nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế, quy trình cai nghiện tại cơ sở, tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của cơ sở và được Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi tắt là Hội đồng) công nhận.
Học viên lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên;
2. Học viên bị mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai trong thời gian chấp hành quyết định thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
3. Trường hợp người đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc ốm nặng có xác nhận của bệnh viện mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời gian chấp hành quyết định; sau khi sức khỏe được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành; trong thời gian tạm đình chỉ thi hành quyết định mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.
Căn cứ vào các điều khoản nêu trên cùng các điều kiện hoàn cảnh gia đình của chồng bạn đã liệt kê, chúng tôi đánh giá như sau:
– Gia đình có nhiều đời có công với cách mạng: không phải căn cứ được xét miễn, hoãn, giảm thời hạn hay đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Không có người lấy tiền thuê nhà hàng tháng: không được coi là hoàn cảnh gia đình có khó khăn đặc biệt để được xét hoãn chấp hành quyết định áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Hiện tinh thần anh không được bình thường và không kiểm soát được hành vi: Đây có thể được coi là một yếu tố xác định điều kiện sức khỏe là ốm nặng hoặc bệnh hiểm nghèo nếu có xác nhận của bệnh viện để được xét miễn hoặc hoãn chấp hành quyết định áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Theo đó bạn kiểm tra lại tình hình thực tế của chồng bạn với các phân tích bên trên. Nếu đủ điều kiện, bạn chuẩn bị các tài liệu chứng minh về tình hình sức khỏe của chồng bạn cùng xác nhận của bệnh viện đủ điều kiện được miễn hoặc hoãn chấp hành quyết định áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cùng với Đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định nộp cho cơ sở cai nghiện bắt buộc đang thi hành quyết định để bảo lãnh.