Cướp giật điện thoại bị phạt bao nhiêu năm tù ? Ngăn cản hành vi cướp gây chết người bị xử lý thế nào?

Pháp luật hình sự quy định về tội danh cướp tài sản và trả lời mọi vấn đề pháp lý thông qua Email và thông qua tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến, mọi vướng mắc pháp lý của người dân liên quan đến tội cướp, cướp giật tài sản… sẽ được giải đáp cụ thể:

1. Cướp giật điện thoại bị phạt bao nhiêu năm tù ?

Câu hỏi: Chồng tôi có giật 1 điện thoại di động. Lúc đó chồng tôi có điều khiển xe, không gây ra thương tích gì cho người bị hại. Đây là lần đầu, chồng tôi chưa tiền án tiền sự. Chồng tôi là lao động chính trong nhà (gia đình có đứa con 4 tuổi và tôi đang mang thai sắp sinh); bà ngoại của chồng là thương binh liệt sĩ. Vậy chồng tôi có được giảm án?
Mức án chồng em là bâo lâu? Cảm ơn luật sư!

Luật sư tư vấn:

“Điều 171. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”

Vì bạn chưa cung cấp giá trị tài sản cướp giật được là bao nhiêu căn cứ điều khoản trên để xác định tình tiết định khung tội phạm.

Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp thì chồng của bạn có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, sẽ không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt, còn việc bị phạt bao nhiêu năm tù là do Hội đồng xét xử quyết định.

Bạn có thể tham khảo một số tình tiết giảm nhẹ khác của BLHS có thể vận dụng để giảm nhẹ tối đa mức phạt, cụ thể:

– Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

– Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

– Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

– Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

– Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

– Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

– Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

– Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

– Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;

– Phạm tội do lạc hậu;

– Người phạm tội là phụ nữ có thai;

– Người phạm tội là người già;

– Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

– Người phạm tội tự thú;

– Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

– Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

– Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

– Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

Trân trọng.

Câu hỏi: Việc đuổi và đạp ngã xe người vừa cướp giật để lấy lại tài sản cho bị hại không phải là hành vi nhằm tước đoạt tính mạng người khác. Trong ý thức, người bắt cướp chỉ muốn giật lại tài sản, nên khi tên cướp bị chết thì không đủ dấu hiệu quy kết về tội giết người?

Trả lời:

Chào Chi Mai, Vì không có đủ điều kiện để xác minh đầy đủ nội dung thông tin do bạn cung cấp, chúng tôi giả định rằng: những thông tin của bạn nêu là hoàn toàn xác thực; người bạn của bạn đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực hành vi đầy đủ theo quy định của pháp luật; hành vi đạp ngã xe đối tượng vừa cướp giật tài sản và đang chạy trốn của người bạn của bạn ở trong điều kiện không thể lựa chọn biện pháp nào khác để ngăn chặn việc trốn chạy của nạn nhân và hành vi đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân trong trường hợp bạn nêu.

Hậu quả chết người trong trường hợp bạn nêu trên là rất lớn, thể hiện tổn thất tính mạng con người và mất mát rất nhiều cho gia đình nạn nhân, nhưng xét trong phạm vi thông tin bạn nêu cũng như giả định chúng tôi đặt ra, chúng tôi nhận thấy rằng hành vi của người bạn của bạn chưa phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm (các tội xâm phạm đến tính mạng con người được quy định từ Điều 123 đến Điều 140) theo quy định tại Bộ luật hình sự.

Cụ thể, chúng tôi đối chiếu dấu hiệu của hành vi nói trên đối với các hành vi khác trong các điều luật có nội dung liên quan đến hành vi giết người/làm chết người khác để có thể nhìn nhận rõ hơn vấn đề dưới góc độ pháp lý:

Thứ nhất, hành vi chạy theo và đạp ngã xe một người vừa cướp giật tài sản, đang chạy thoát để lấy lại tài sản cho người bị hại thể hiện tinh thần ngăn chặn việc trốn chạy của đối tượng, giúp người bị hại lấy lại tài sản bị cướp. Đây không phải là hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, ý thức của người thực hiện hành vi chỉ muốn ngăn chặn việc trốn chạy của một đối tượng vừa thực hiện hành vi cướp giật tại sản để lấy lại tài sản cho người bị hại. Ở đây không tồn tại ý thức cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân, mà trong ý thức của người thực hiện hành vi chỉ thể hiện hành động có tính nghĩa hiệp, ngăn chặn sự chạy trốn và mong muốn giành lại tài sản bị cướp giật cho người bị hại. Do đó, không đủ dấu hiệu cấu thành “tội giết người” theo Điều 123 BLHS.

Thứ hai, việc đạp ngã xe mô tô (hoặc xe gắn máy) của người khác ngã xuống đường trong lúc người đó phóng xe với tốc độ nhanh, lại không đội mũ bảo hiểm, đường có giải phân cách (con lươn)… thể hiện khả năng rất cao có thể dẫn đến chết người. Người bạn của bạn ý thức điều này nhưng lại đứng trước hoàn cảnh không thể lựa chọn biện pháp khác nên buộc phải đạp ngã xe của đối tượng vừa có hành vi cướp giật tài sản để ngăn chặn việc chạy thoát. Như vậy, người bạn của bạn ý thức được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng buộc phải lựa chọn việc thực hiện hành vi đó nhằm mục đích đấu tranh chống lại hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người khác. Hơn nữa, không đủ căn cứ để chứng minh người bạn của bạn “cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được” theo quy định tại khoản 1, Điều 11 BLHS nên không thể xác định hành vi của người bạn này được thực hiện một cách vô ý. Từ đó, không đủ dấu hiệu cấu thành “tội vô ý làm chết người” theo Điều 128 BLHS.

Thứ ba, hành vi cướp giật tài sản của nạn nhân đã hoàn thành, do đó việc đuổi theo đạp ngã xe của nạn nhân trong trường hợp này không mang tính chất “phòng vệ”. Bởi vì, hành vi có tính phòng vệ chỉ đặt ra khi nạn nhân trong trường hợp này đang có hành vi vi phạm pháp luật, nghĩa là hành vi cướp giật đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc. Do vậy, không thể xác định đây là hành vi “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Điều 22 BLHS, thế nên không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm về “tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Điều 126 BLHS.

Thứ tư, người bạn của bạn trong trường hợp này không thuộc chủ thể thực hiện nhiệm vụ công theo nghề nghiệp, do công tác như: công an, bộ đội biên phòng, kiểm lâm, hải quan, bảo vệ cơ quan… Đồng thời, người bạn của bạn thực hiện hành vi đuổi bắt cướp không phải trên cơ sở nhiệm vụ được giao, cũng không phải trong trường hợp đang cùng với người có nhiệm vụ cùng thực hiện một nhiệm vụ công (Ví dụ: người này tự nguyện cùng với công an đuổi bắt cướp, hoặc được công an đề nghị giúp đỡ việc bắt cướp…).

Hiện nay, việc người dân tự ý tham gia đấu tranh chống những hành vi xâm phạm đến lợi ích của nhà nước hoặc lợi ích hợp pháp của công dân như đuổi bắt trộm, cướp, phòng chống tham nhũng… chưa được quy định là hành vi thực hiện nhiệm vụ công. Như vậy, hành vi của người bạn của bạn không được coi là hành vi thuộc trường hợp đang thi hành công vụ. Thế nên, không phải là dấu hiệu cấu thành “tội làm chết người trong khi thi hành công vụ” theo Điều 127 BLHS.

Thứ năm, khoản 1, Điều 125 quy định “NNgười nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Tuy nhiên, trường hợp này hành vi cướp giật tài sản của nạn nhân được thực hiện đối với một người phụ nữ qua đường, không phải cướp giật tài sản của người bạn của bạn hoặc người thân thích của người bạn này, do đó hành vi này không phải là dấu hiệu cấu thành “tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 125 BLHS.

Thứ sáu, theo mô tả hành vi mà người bạn của bạn thực hiện trong trường hợp này, rõ ràng biểu hiện về mặt hành vi cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra không đủ dấu hiệu cấu thành các tội danh xâm phạm tính mạng con người được quy định ở các điều luật khác trong BLHS.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 8, “khái niệm tội phạm” của BLHS thì “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự …”.

Như vậy, với hành vi cụ thể này, đối chiếu với các điều luật liên quan đến các tội danh xâm phạm tính mạng con người mà chúng tôi trình bày ở trên, không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do đó hành vi này không được coi là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về nghĩa vụ bồi thường, bạn của bạn có thể phải bồi thường thiệt hại tùy thuộc vào mức độ lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả, mức độ thiệt hại, tổn thất trên thực tế cho gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật dân sự.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *