Bất cập trong quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử và kiến nghị hoàn thiện

                                           

Bất cập trong quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử và kiến nghị hoàn thiện

22/04/2023 05:22 | 4 giờ trước

 Thời hạn chuẩn bị xét xử là thời gian mà Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định cho Tòa án giải quyết vụ án và được căn cứ vào tính chất của từng vụ án để xác định thời hạn. Tuy nhiên, trong thực tiễn thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Viện Kiểm sát ban hành cáo trạng mới thì vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau do không có văn bản hướng dẫn thi hành.

Ảnh minh họa.

Quy định của BLTTHS về thời hạn chuẩn bị xét xử

Theo quy định tại Điều 277 BLTTHS về thời hạn chuẩn bị xét xử:

“1. Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày”.

Thời hạn chuẩn bị xét xử là khoảng thời gian mà khi đó, Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng như: Thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh, cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng đến đương sự, những người liên quan đến vụ án (người giám định, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan….) cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án sẽ tiến hành đi xác minh, niêm yết những văn bản tố tụng đó, chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ vụ án trước khi được đưa ra xét xử,…

Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án (trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn) thì sẽ được quy định như sau: Căn cứ vào tính chất của từng vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử xác định như sau: 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Ngoài ra, thời hạn chuẩn bị xét xử trong một số trường hợp: Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày và trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

Từ khi thụ lý vụ án hình sự Toà án chính thức xác nhận thẩm quyền và ttách nhiệm của mình trong việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu hồ sơ vụ án đảm bảo giải quyết vụ án thì Toà án phải củng cố hoàn thiện hồ sơ vụ án. Các hoạt động này của Toà án được gọi là chuẩn bị xét xử.

Các công việc chuẩn bị xét xử chủ yếu của Tòa án bao gồm: Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng, thụ lý vụ án; phân công Thẩm phán giải quyết vụ án; áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa; trả hồ sơ điều tra bổ sung; thu thập chứng cứ tài liệu; quyết định đưa vụ án ra xét xử,…

Bất cập, hạn chế

Theo quy định tại khoản 2 Điều 277 BLTTHS thì trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung sau khi Viện Kiểm sát chuyển hồ sơ trả lại thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, đối với trường hợp Viện Kiểm sát ban hành cáo trạng mới sau khi điều tra bổ sung như khởi tố thêm bị can, thêm tình tiết mới… thì thời hạn xét xử vụ án tính như thế nào? Vấn đề này vẫn còn hai cách hiểu khác nhau:

Cách hiểu thứ nhất: Do Viện Kiểm sát ban hành cáo trạng mới nên thời hạn xét xử được tính lại theo quy định tại khoản 1 Điều 227, đó là 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và gia hạn không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Cách hiểu thứ hai: Vì cáo trạng ban hành sau khi Tòa án đã thụ lý, giải quyết và trả hồ sơ điều tra bổ sung nên thời hạn chuẩn bị xét xử thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 277 BLTTHS là 15 ngày.

Việc xác định thời hạn chuẩn bị xét xử phụ thuộc vào mức độ, tính chất, quy mô của từng vụ án mà thời hạn chuẩn bị xét xử cũng có sự dài, ngắn khác nhau nhưng phải tuân theo những quy định của pháp luật về thời hạn chuẩn bị xét xử. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, quy mô lớn, có sự liên đới của nhiều người hoặc có thể là những vụ ”đại án” thì thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ kéo dài. Và ngược lại, đối với những vụ án có tính chất đơn giản, quy mô nhỏ thì thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ ngắn hơn mà pháp luật đã quy định.

Thời hạn chuẩn bị xét xử có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc đưa vụ án ra xét xử. Bởi lẽ, việc quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ là khoảng thời gian để chuẩn bị cho công tác đưa vụ án ra xét xử, nếu không có thời hạn để chuẩn bị xét xử thì chắc chắn việc xét xử một vụ án sẽ không được diễn ra một cách kỹ lưỡng, chuẩn chỉ, đảm bảo đầy đủ những nội dung theo trình tự, thủ tục của một phiên toà xét xử mà pháp luật đã quy định. Do đó, có thể thấy được khâu chuẩn bị là vô cùng quan trọng và không thể thiếu và đối với mỗi phiên toà xét cử cũng vậy tuy nhiên thời hạn chuẩn bị sẽ do pháp luật quy định nhằm đảm bảo đúng tiến độ xét xử. Tuỳ thuộc vào từng vụ việc, quy mô, tính chất mà pháp luật quy định những thời hạn chuẩn bị xét xử dài ngắn khác nhau.

Việc Tòa án thụ lý vụ án sau khi đã trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định của BLTTHS là thụ lý vụ án mới nhưng thời hạn xét xử 15 ngày như quy định tại khoản 2 Điều 277 là không phù hợp, đồng thời, để đảm bảo việc giải quyết vụ án việc quy định thời hạn chuẩn bị xét xử như trong BLTTHS ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án.

Kiến nghị

Cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 277 BLTTHS về thời hạn chuẩn bị xét xử sau khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung như sau: “Đối với vụ án được trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà Viện Kiểm sát ban hành cáo trạng mới thì thời hạn chuẩn bị xét xử thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *