Có được bảo lãnh người bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc

Luật sư tư vấn về vấn đề đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, trình tự thủ tục áp dụng đưa đi cai nghiện bắt buộc, và vấn đề chuyển vụ việc có dấu hiệu hình sự. Nội dung hỏi và trả lời tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi: Dạ thưa luật sư! Chồng em bị bắt ngày mùng 1 tết nguyên đáng. Trong nhà của một người bạn, trong lúc đó chồng em đang sử dụng ma túy đá cùng bạn. Và khi xét trong bóp và trên xe thì có hai gói nilon có chứa tinh thể màu trắng và công an nghi ngờ là ma túy đá. Và bắt chồng em đưa lên trại cai nghiện, khi gia đình xuống làm giấy bảo lãnh. Thì có một anh công an bảo là 15 ngày sẽ ký giấy cho chồng e về, nhưng đúng 15 ngày khi hỏi thì a ta bảo công an thành phố vào cuộc vì nghi chồng e vận chuyển ma túy. Em hỏi vậy tại sao ko giữ điều tra mà đưa đi cai, thì a ta bảo là chưa đủ chứng cứ. Vậy gia đình em có thể bảo lãnh chồng e về ko ạ?

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Đạt Điền , với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau

Công an phát hiện chồng bạn sử dụng ma túy nên chồng bạn sẽ bị xử lý vi pham hành chính về hành vi sử dụng ma túy và có thể áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc nếu chồng bạn thuộc các đối tượng quy định theo Điều 3 Nghị định 221/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 3. Đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính gồm:

1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.

2. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.”

Sau khi phát hiện chồng bạn sử dụng ma túy, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các thủ tục lập hồ sơ đề nghị tiến hành đưa vào cơ sở bắt buộc  sau đó thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP.

Như vậy, trước tiên bạn cần xem xét chồng bạn có thuộc đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo Điều 3 Nghị định 221/2013/NĐ-CP. Trường hợp chồng bạn không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc hoặc cơ quan có thẩm quyền vi phạm trình tự, thủ tục biện pháp đưa và cơ sở cai nghiện bắt buộc thì gia đình bạn có thể khiếu nại quyết định này.

Nếu có căn cứ việc áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của chồng bạn là đúng  thì bạn không thể thực hiện việc bảo lĩnh cho chồng bạn. Tuy nhiên, chồng bạn có thể đươc giảm thời hạn, tạm đình hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định 221/2013/NĐ-CP

Điều 19. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Học viên đã chấp hành một nửa thời hạn quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Học viên có tiến bộ rõ rệt là người nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế, quy trình cai nghiện tại cơ sở, tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của cơ sở và được Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi tắt là Hội đồng) công nhận.

Học viên lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên;

2. Học viên bị mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai trong thời gian chấp hành quyết định thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

3. Trường hợp người đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc ốm nặng có xác nhận của bệnh viện mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời gian chấp hành quyết định; sau khi sức khỏe được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành; trong thời gian tạm đình chỉ thi hành quyết định mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

2. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định theo một trong các trường hợp sau đây:

a) Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện;

b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại Khoản 1 Điều này mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy

Người tiến bộ rõ rệt là người tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

c) Đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện.”

Còn đối với vấn đề cơ quan công an thành phố điều tra vì có nghi ngờ chồng bạn vận chuyển ma túy, đây là trường hợp có thể trong qua trình xem xét vụ vi phạm, công an thấy hành vi vi phạm của chồng bạn còn có dấu hiệu tội phạm là Tội vận chuyển ma túy nên  chuyển hồ sơ đến cơ quan tiến hành tố tụng theo Điều 62 Luật xử lý vi pham hành chính 2012. Cụ thể:

Điều 62. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

2. Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.

Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

4. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *