Các trường hợp được công chứng bản khai nhận di sản thừa kế?

Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế là thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế của người đã mất cho người còn sống. Vậy các trường hợp nào được công chứng bản khai nhận di sản thừa kế?

1. Trường hợp nào được công chứng bản khai nhận di sản thừa kế?

Theo khoản 2 điều 58 Luật Công chứng 2014, có hai trường hợp được yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế, đó là:

– Thứ nhất, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật

– Thứ hai, những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.

2. Quy định về công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế

Đối với hồ sơ công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế, theo khoản 2 điều 57 Luật Công chứng 2014, bao gồm những hồ sơ sau:

– Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu: hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

– Trường hợp thừa kế theo pháp luật: hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.Trường hợp thừa kế theo di chúc: hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

3. Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản

Niêm yết về việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản được quy định tại điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

+ Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản: việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

+ Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản: nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

Về nội dung của niêm yết: niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải nêu rõ những nội dung sau đây:

– Họ, tên của người để lại di sản

– Họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế

– Quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế

– Danh mục di sản thừa kế

Ngoài ra, Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.

4. Thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế

4.1. Nơi công chứng

Có hai nơi người yêu cầu công chứng có thể lựa chọn để công chứng:

– Phòng công chứng Nhà nước.

– Văn phòng công chứng tư.

4.2. Hồ sơ công chứng cần chuẩn bị những giấy tờ gì ?

Người yêu cầu công chứng cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

– Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu có sẵn ở phòng hoặc văn phòng công chứng).

– Bản sao giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng (Trường hợp thừa kế theo pháp luật). Tùy thuộc vào từng mối quan hệ mà có giấy tờ khác nhau tương ứng, ví dụ:

+ Quan hệ hôn nhân là giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nếu kết hôn trước ngày 03/01/1987 thì không bắt buộc phải có giấy đăng ký kết hôn mà sử dụng các giấy tờ khác chứng minh mối quan hệ hôn nhân thực tế.

+ Quan hệ huyết thống thì sử dụng giấy khai sinh,…

+ Quan hệ nuôi dưỡng thì sử dụng giấy khai sinh, quyết định nhận con nuôi,…

– Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết; giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu có)…

– Bản sao di chúc (Trường hợp thừa kế theo di chúc)

– Các giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người khai nhận di sản thừa kế.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu)

– Hợp đồng ủy quyền (nếu có trong trường hợp nhiều người được nhận thừa kế nhưng không chia di sản),…

– Dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có).

4.3. Trình tự, thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế

Bước 1: Nộp hồ sơ và Tiếp nhận yêu cầu công chứng

– Người yêu cầu công chứng nộp 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ nêu trên cho Công chứng viên

– Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Công chứng viên sẽ tiến hành kiểm tra như sau:

+ Nếu hồ sơ đầy đủ: Công chứng viên tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng

+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên hướng dẫn và yêu cầu bổ sung.

+ Nếu hồ sơ không có cơ sở để giải quyết: Công chứng viên giải thích lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.

Bước 2: Niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản thừa kế

Sau khi Công chứng viên đã nhận đầy đủ giấy tờ nêu trên, văn phòng công chứng sẽ thực hiện thủ tục niêm yết thừa kế công khai tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người để lại di sản có hộ khẩu thường trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản trước khi chết và nơi có nhà đất.

Nội dung niêm yết sẽ bao gồm các nội dung được nêu ở bên trên.

Sau 15 ngày niêm yết, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết.

Bước 3: Ký văn bản khai nhận di sản

Sau khi nhận lại bản niêm yết thừa kế có xác nhận của Uỷ ban nhân dân Phường, Công chứng viên hẹn ngày ký và soạn Văn bản khai nhận thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế

– Nếu đã có dự thảo văn bản khai nhận: Công chứng viên kiểm tra các nội dung trong văn bản đảm bảo không có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội…

– Nếu chưa có dự thảo: Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người khai nhận di sản. Sau khi soạn thảo xong, người thừa kế đọc lại nội dung, đồng ý và sẽ được công chứng viên hướng dẫn ký vào Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Bước 4: Ký chứng nhận

Tất cả những người thuộc diện thừa kế mang toàn bộ bản gốc giấy tờ đã nộp đến Văn phòng Công chứng để đối chiếu và ký văn bản khai nhận di sản thừa kế;

Bước 5: Nộp lệ phí và trả kết quả

Sau khi ký xong sẽ tiến hành thu phí, thù lao công chứng, các chi phí khác và trả lại bản chính văn bản khai nhận cho người thừa kế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *