Văn phòng Luật sư Đạt Điền Bình Tân : bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự tại tòa án Bình Tân
Trước đó, án sơ thẩm đã tuyên xử phạt bị cáo Nguyễn Bình Tuy 18 năm tù về tội “Giết người “ theo điểm n, khoản 1 điều 93 BLHS, mặc dù bị cáo chỉ truy tố theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Đây là vụ án dư luận quan tâm, liên quan đến thủ tục tố tụng về giới hạn xét xử của tòa án, đặc biệt là quyền bào chữa bị cáo có được đảm bảo nếu Tòa án xử bị cáo ở khung hình phạt cao nhất (tử hình).
Dùng ôtô đâm chết người
Khoảng 19 giờ ngày 8-8-2012, do có mâu thuẫn từ trước, Nguyễn Bình Tuy (Sinh năm 1983) đã điều khiển xe ô tô tải BKS 79D- 6194 đâm vào xe mô tô biển kiểm soát 79N1- 235.51 do ông Huỳnh Văn Bạc (sinh năm 1960, trú tại xã Vĩnh Ngọc –Nha Trang) điều khiển, hậu quả ông Bạc tử vong.
Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can Nguyễn Bình Tuy về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đều được VKSND tỉnh phê chuẩn. Ngày 2/1/2013, VKSND tỉnh có cáo trạng, đề nghị Tòa án tỉnh xét xử bị cáo Tuy về tội “giết người” theo khoản 2 Điều 93 BLHS (khung hình phạt từ bảy năm tù đến 15 năm tù).
Trong giai đoạn điều tra, truy tố, bị cáo Tuy không yêu cầu luật sư bào chữa và bị cáo không bị truy tố theo khoản 1 điều 93 BLHS, nên cũng không thuộc trường hợp bắt buộc có luật sư bào chữa cho bị cáo trong các giai đoạn điều tra, truy tố .
Quyền bào chữa và giới hạn xét xử của tòa án
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án nhận thấy hành vi giết người của bị cáo Tuy có tính chất côn đồ, là dấu hiệu định khung tăng nặng được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (khung hình phạt từ 12 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình). Do đó, ngày 1/3/2013, thẩm phán đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKS truy tố Tuy theo khoản 1 Điều 93 BLHS, đồng thời tiến hành việc hỏi cung bị can với sự tham gia của người bào chữa .
Thế nhưng,VKSND tỉnh cho rằng việc tòa yêu cầu truy tố Tuy theo khoản 1 Điều 93 BLHS là không có căn cứ. Ngày 1/3/2013 ,VKSND tỉnh có văn bản trả lời tòa án,giữ nguyên quan điểm truy tố và chuyển lại hồ sơ, yêu cầu tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, gia đình bị cáo đã yêu cầu luật sư Lục Thị Thụy ( Đoàn Luật sư Khánh Hòa ) bào chữa cho bị cáo và đã được Tòa án chấp nhận.
Ngày 23/4/2013, TAND tỉnh đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án này. Một lần nữa, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo là côn đồ, cần phải truy tố, xét xử ở khoản 1điểm n Điều 93 BLHS. Do đó, sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX không tuyên án mà tiếp tục quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKS truy tố theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS, yêu cầu tiến hành hỏi cung bị cáo phải có sự tham gia của người bào chữa.
Ngay sau đó, ngày 24/4/2013, VKSND tỉnh có công văn trả lời, giữ nguyên quyết định truy tố Nguyễn Bình Tuy theo cáo trạng ngày 2/1/2013.
Tòa án tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 12/6/2013. Nội dung quyết định xét xử nêu rõ: Bị cáo bị VKSND tỉnh truy tố về tội Giết người theo khoản 2, điều 93 BLHS, tuy nhiên có thể bị Tòa án xét xử ở khoản 1 Điều 93 BLHS.
Tại phiên phiên tòa ,đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố đề nghị xử phạt bị cáo Tuy từ 12- 14 năm tù theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã tuyên bố bị cáo Tuy phạm tội “ Giết người” với tình tiết côn đồ theo theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS, xử phạt xử phạt bị cáo 18 năm tù .
Sau đó, bị cáo Tuy có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã tiếp tục yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo trrong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 23/9/2013.
Vấn đề đặt ra để trao đổi trong bài viết này liên quan đến quyền bào chữa và giới hạn xét xử của tòa án. Đó là trường hợp cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không yêu cầu cử người bào chữa vì bị can bị truy tố về tội mà khung hình phạt không phải là tử hình, nhưng khi xét xử Tòa án thấy hành vi của bị cáo thuộc khung hình phạt có tử hình. Tòa án đã xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn có khung hình phạt tử hình như vụ án nêu trên có vi phạm quyền bào chữa của bị cáo hay không?
Quan điểm của ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự – TANDTC ) cũng như một số thẩm phán cho rằng: “Tòa cứ xử và không cần trả hồ sơ” vì Điều 196 BLTTHS cho phép Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS truy tố trong cùng một điều luật nghĩa là có thể xét xử theo hướng nặng hơn.
VKS truy tố bị cáo theo khoản 2 Điều 93 (tội giết người ) có khung hình phạt là tù từ 7 năm đến 15 năm. Án sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 18 năm tù theo điểm n khoản 1 điều 93 BLHS, là không vượt quá giới hạn xét xử và không xâm phạm quyền bào chữa của bị cáo.
Qua vụ án cụ thể này có thể nhận thấy: Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành và thực tiễn xét xử đã cho phép tòa án xét xử nặng hơn đề nghị của VKS và không phân biệt khoản đó có khung hình phạt đến tử hình hay không . Tuy nhiên trong bối cảnh Hiến pháp 1992 đang được xin ý kiến sửa đổi và Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 đang trong quá trình được tổng kết sửa đổi,bổ sung. Tôi cho rằng việc áp dụng điều 196 BLTTHS như trên vô hình trung đã tước bỏ quyền bào chữa của bị cáo.
Theo tôi, quyền bào chữa của bị cáo phải được đảm bảo trong suốt quá trình tố tụng chứ không chỉ được áp dụng ở tại phiên tòa. Nếu theo dõi diễn biến phiên tòa công khai, chúng ta chỉ thấy đại diện VKS đọc quyết định truy tố và luận tội theo khoản 2 điều 93 BLHS.
Luật sư và bị cáo cũng chỉ được bào chữa theo trong phạm vi khoản 2 điều 93 BLHS, mặc dù quyết định đưa vụ án ra xét xử có ghi “ bị cáo có thể xét xử bị cáo ở khoản 1 “ ?! Và ,việc xét xử có áp dụng khoản 1, điều 93 nặng hơn đề nghị của VKS hay không chỉ được biểu quyết “kín” giữa các thành viên Hội đồng xét xử trong phòng nghị án .
Ở đó, hoàn toàn không có tranh luận của bên buộc tội và người bào chữa , của bị cáo về nội dung này. Thực tế, chỉ đến khi Hội đồng xét xử tuyên án thì VKS và những người tham gia tố tụng mới được biết Tòa án đã bị xét xử theo khoản 1 Điều 93BLHS .
Xử như vậy, làm sao có thể nói quyền bào chữa của bị cáo đã được đảm bảo ? Mặt khác, việc Tòa án hai lần quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKS phải truy tố bị cáo theo khoản 1 điều 93 BLHS, làm cho người tham gia tố tụng có thể dự đoán được kết quả xét xử là Tòa sẽ tuyên xử buộc bị cáo ở khoản 1, nặng hơn đề nghị của bên buộc tội. Như vậy,việc tranh tụng giữa kiểm sát viên và luật sư tại phiên tòa chẳng qua là hình thức ?
Thiết nghĩ, Tòa án thực hiện việc xét xử đúng giới hạn, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền bào chữa của bị can bị cáo trong trường hợp quan điểm của Viện và Tòa bất đồng như vụ án trên. Theo tôi, cần sửa đổi luật tố tụng hình sự theo hướng: Bảo đảm có người bào chữa cho bị can ngay từ khi bị khởi tố về tội có khung hình phạt là tử hình mà không phụ thuộc quyết định khởi tố bị can ở khoản không có khung hình phạt tử hình.