Di chúc được làm từ văn phòng luật sư có hợp lệ không?

Câu hỏi:

Kính chào luật sư!
Trước khi bố em mất,bố em có đi làm di chúc tại văn phòng luật sư mà gia đình em không hề biết. Trước khi nhắm mắt bố em có nói lại cho mẹ em thì nhà em mới biết sự việc đó. Đến thời điểm này đã hơn 1 năm bố em mất mà nhà em vẫn chưa nhận được hay có luật sư nào đến nhà gửi lại bản di chúc mà bố em đã làm. Vậy các anh cho em hỏi bố em làm di chúc tại văn phòng luật sư có hợp lệ và di chúc đó có được thừa nhận hay không?

Và 1 sự việc nữa là khi bố em còn sống đã chia gia sản cho từng người con trong gia đình và gia đình đã ký đầy đủ vào giấy thỏa thuận chia nhận gia sản (tiền mặt),nhưng giấy chia gia sản đó không có người làm chứng và chính quyền địa phương xác nhận. Vậy giấy chia gia sản đó có được hợp thức hóa như 1 di chúc trước khi mất hay không? Thời điểm lập giấy chia gia sản và thời gian bố em mất là 9 năm.

Kính mong Luật Sư trả lời giúp em trong thời gian nhanh nhất.
Xin chân thành cám ơn luật sư!

Trả lời:

Chào bạn!
Luật sư Từ Tiến Đạt- VPLS Đạt Điền thuộc  Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh  trả lời câu hỏi của bạn như sau:

1. ĐỐI VỚI DI CHÚC:

– Di chúc của bố bạn chỉ hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 652 BLDS, cụ thể như sau:

“Điều 652. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.”

– Điều 667 BLDS quy định về hiệu lực của di chúc như sau:

“Điều 667. Hiệu lực pháp luật của di chúc

1. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.

2. Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.

3. Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.”
– Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định về việc giữ di chúc như sau:

“Điều 665. Gửi giữ di chúc

1. Người lập di chúc có thể yêu cầu cơ quan công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.

2. Trong trường hợp cơ quan công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của pháp luật về công chứng.

3. Cá nhân giữ bản di chúc có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giữ bí mật nội dung di chúc;

b) Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;

c) Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của hai người làm chứng.

Điều 666. Di chúc bị thất lạc, hư hại

1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.

2. Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.”.

Như vậy, bạn có thể đến Văn phòng luật sư nơi bố bạn lập di chúc (nơi lưu giữ di chúc) để yêu cầu giao di chúc cho người có quyền công bố di chúc hoặc công bố di chúc theo nội dung ghi trong di chúc theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 665 BLDS nêu trên.

Sau khi có được bản di chúc đó, đối chiếu với các quy định tại Điều 652  và Điều 667 BLDS mà tôi trích dẫn ở trên để biết di chúc của bố bạn có hợp pháp và có hiệu lực hay không.

 2. ĐỐI VỚI BIÊN BẢN CHIA GIA SẢN:

Việc chia gia sản (tài sản chung của gia đình) bản chất là chia tài sản chung. Do vậy, nếu số tiền đó là tài sản chung của gia đình bạn và đã được phân chia cho các thành viên thì việc phân chia đó đã hoàn thành. Pháp luật không bắt buộc việc chia tiền phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực. Do vậy, gia đình bạn chỉ cần lập văn bản, có chữ ký của các thành viên là có đủ căn cứ xác định là việc chia tài sản đã được thực hiện.

Nếu số tiền trong Biên bản chia gia tài đó là tài sản riêng của bố bạn và bố bạn đã chia cho các con trước khi chết, đồng thời sau đó bố bạn lại lập di chúc (hoặc lập di chúc trước khi chia tiền) thì di chúc đó của bố bạn cũng không có hiệu lực do DI SẢN KHÔNG CÒN theo quy định tại khoản 3, Điều 667 BLDS.

Nếu còn nội dung gì chưa rõ, bạn có thể đặt câu hỏi để Luật sư trả lời cho bạn thêm

Chào bạn!
 Luật sư Từ Tiến Đạt- VPLS Đạt Điền thuộc  Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh: 0966 456 678 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *