Khi tai nạn giao thông xảy ra điều đầu tiên bạn nên nghĩ tới là trình báo với cơ quan cảnh sát giao thông gần nhất với khu vực xảy ra tai nạn để lập hiện trường vụ việc và để xử lý các hậu pháp pháp lý có thể xảy ra về sau:
1. Thủ tục trình báo, khởi kiện đối với người gây tai nạn giao thông ?
Kính chào Luật Đạt Điền, tôi xin tóm tắt qua vụ việc: Bố mình đang làm vườn, xe ô tô 4 chỗ mất lái lao lên vỉa hè xô vào bố mình. Ngay chiều đó công an đã đến lập biên bản. Nhà mình cung cấp biển số xe gây tai nạn cho công an rồi.
Gia đình mình xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới cho chúng tôi. Câu hỏi của bạn tôi xin trả lời như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp, bố bạn đang làm vườn thì có một chiếc xe ô tô mất lái lao lên đâm phải bố bạn. Hành vi này của người điều khiển xe ô tô có thể xem xét tùy từng trường hợp, gia đình bạn sẽ áp dụng hình thức nộp đơn yêu cầu giải quyết tới cơ quan có thẩm quyền tương ứng như sau:
Trường hợp 1: Hành vi của người điều khiển ô tô nếu đáp ứng đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy địnhvề Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, hành vi điều khiển phương tiện giao thông gây thiệt hại cho người khác như:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Theo đó, vì bạn không nêu rõ bố của bạn bị thương tích như thế nào, do vậy, hành vi của người điều khiển xe ô tô nếu gây thiệt hại cho bố bạn về sức khỏe hoặc gây thiệt hại về tài sản cho gia đình bạn hoặc người khác ở mức tối thiểu nêu trên thì đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Khi đó, gia đình bạn có quyền nộp đơn Tố giác tội phạm tới cơ quan Công an cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để yêu cầu giải quyết.
Trong trường hợp này, kể từ ngày bạn nộp đơn Tố giác tới cơ quan công an có thẩm quyền thì trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác (theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định sau và phải thông báo cho gia đình bạn biết:
– Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
– Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
– Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Chính vì vậy, nếu hành vi của người điều khiển xe ô tô đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan công an bắt buộc phải ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự trong thời gian không quá 20 ngày. Nếu quá thời gian nêu trên, bạn vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ cơ quan công an thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại nộp cho thủ trưởng cơ quan nơi bạn đã nộp đơn Tố giác trước đó để xử lý.
Trường hợp 2: Hành vi của người điều khiển xe ô tô chưa đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì bạn và người nhà của bạn có thể khởi kiện dân sự tới Tòa án nhân dân cấp quận, huyện để yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường chi phí hợp lý cho gia đình bạn, tương ứng với phần lỗi của người này gây ra hoặc do hai bên tự thỏa thuận với nhau theo Điều 589, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Tư vấn về việc bồi thường sau tai nạn giao thông ?
Em xin chào các anh, chị luật sư. Anh, chị cho em hỏi về vấn đề bồi thường sau tai nạn giao thông. Em xin trình bày câu hỏi như sau:
Em là lái xe khách. Em đang đi trên đường bình thường, tốc độ đúng và đi đúng làn đường của mình nhưng đang chạy chậm thì bất ngờ từ phía đuôi xe em có tiếng kêu lạ nên em đỗ xe lại và xuống kiểm tra, phát hiện một xe máy đâm thẳng vào đuôi xe em rồi ngã ra, em gọi xe đi cấp cứu. Vào viện bác sĩ khám chiếu chụp cho người đi xe máy không vần đề gì. Bác sĩ cho nằm theo dõi 2 ngày không việc gì, bác sĩ đã cho xuất viện không bị thương gì cả. Em có trao đổi với chủ phương tiện là hai bên không vấn đề gì thì giải quyết nội bộ. Người ta đồng ý giải quyết nội bộ nhưng yêu cầu em phải bồi thường viện phí tới 10.000.000 đồng và chiếc xe máy Attila cũ rồi khi đâm vào đuôi xe em thì cũng bị vỡ một số bộ phận nhựa của xe. Họ yêu cầu em vừa đền tiền và phải mua cho họ chiếc xe mới. Em không đồng ý.
Vậy em hỏi các anh, chị luật sư. Trường hợp của em nếu đưa ra pháp luật thì sẽ được xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn điều khiển xe chạy đúng tốc độ cho phép, đúng làn đường, do người điều khiển xe máy tự đâm vào đuôi xe của bạn. Sau đó, bên người bị thiệt hại cũng đã được cấp cứu kịp thời, được xác định là không bị thương gì cả. Do vậy, căn cứ Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trong đó, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
– Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, về nguyên tắc, nếu bạn chứng minh được bạn không có lỗi gây ra thiệt hại cho người đi xe máy mà họ là người tự đâm vào xe của bạn, lỗi xảy ra va chạm là lỗi hoàn toàn từ phía họ thì lúc này, bạn không phải bồi thường thiệt hại cho bên kia theo quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu bạn không chứng minh được lỗi hoàn toàn do bên người bị thiệt hại thì bạn phải bồi thường cho người bị thiệt hại mức bồi thường theo quy định tại Điều 589 và Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
– Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
– Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở tại thời điểm hiện nay là 1.390.000 đồng theo Điều 3 Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lương vũ trang.
3. Tư vấn giải quyết vụ việc tai nạn giao thông?
Thưa Luật sư, tôi có một người bạn, vợ cậu ta bị tai nạn giao thông khi đang lưu thông trên đường.
Vợ cậu ta đi xe đạp, người gây tai nạn thì đi xe gắn máy. Lỗi là do người đi xe gắn máy bị bụi bay vào mắt, nên không phản xạ tránh kịp, trên người không có rượu bia, hay chất kích thích. Lúc xảy ra tai nạn thì người đi xe gắn máy có nhiệt tình giúp đỡ đưa vợ bạn tôi vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán là bị gẫy đốt sống cùng và gẫy xương mu, tất cả chi phí điều trị và viện phí được người gây tai nạn chi trả hết và có hứa là cho vợ bạn tôi lên thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra. Sau khi sức khoẻ vợ bạn tôi hồi phục thì có lên thành phố kiểm tra chỗ gãy, bác sĩ nói là bị chèn ép dây thần kinh, nên về điều trị chờ ngày tái khám mới quyết định mổ hay không. Sau khi tái khám bác sĩ bảo là phải mổ, 2 bên gia đình đã thoả thuận là: Nếu mổ thì sẽ theo tuyến bảo hiểm, gia đình người gây tai nạn phụ giúp một phần tiền (nhưng lúc thoả thuận thì không có giấy tờ để làm chứng). Qua ngày sau, 2 bên gia đình ra Công an để giải quyết vụ việc và lấy xe ra. Bên người gây tai nạn có đưa cho chúng tôi 22 triệu là tiền thuốc, phí bệnh viện và tiền đi kiểm tra, lúc ra công an có nêu rõ hết, Công an có kêu bạn tôi về viết giấy không giám định thương tật rồi đem lên nộp, vụ việc được giải quyết ổn thoả. Sau khi bạn tôi quyết định mổ cho vợ thì bên gia đình người gây tai nạn không chịu phụ tiền như đã thoả thuận, bạn của tôi phải lo hết chi phí.
Luật sư cho tôi hỏi là: Bạn tôi có thể kiện người gây tai nạn do không phụ chi phí mổ như đã thoả thuận hay không? Nếu kiện được thì gia đình bên kia phải chịu toàn bộ chi phí cuộc phẫu thuật hay là do Toà quyết định? Người gây tai nạn có phải bị ngồi tù không?
Xin cảm ơn Luật sư!
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Đạt Điền. Đối với trường hợp của bạn, tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ra tai nạn giao thông:
Theo quy định tại Điều 601 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trong đó, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Như vậy, trong trường hợp này người gây ra vụ tai nạn giao thông phải bồi thường thiệt hại vì người đó đang điều khiển phương tiện giao thông vận tải thuộc nguồn nguy hiểm cao độ.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
– Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
– Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.
Như vậy, người đi xe máy gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe của người bị thiệt hại. Người gây tại nạn phải chi trả phần chi phí tái khám và chi phí mổ mà không phụ thuộc vào việc có thỏa thuận hay không; chỉ cần người bị thiệt hại nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 585 của Bộ luật Dân sự 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tức là hai bên sẽ tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận được việc bồi thường thiệt hại thì trong thời hạn 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì người này hoặc chủ thể có thẩm quyền khác có quyền nộp đơn Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết (căn cứ theo Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015).
Hành vi của bên gây thiệt hại có đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Hành vi gây ra tai nạn của người điều khiển xe máy có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc một các trường hợp được nêu dưới đây:
Căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
– Không có giấy phép lái xe theo quy định;
– Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
– Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
– Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
– Làm chết 02 người;
-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Làm chết 03 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Đền bù khi xảy ra tai nạn giao thông ?
Thưa luật sư, em muốn hỏi: Em sinh năm 1995, em có điều khiển mô tô đến gần chợ, hai bên chợ buôn bán nên đi giữa lòng đường nhưng đa phần hơi sang bên phần của đường ngược chiều và em đã bị gẫy xương ống tay và 2 ngón tay.
Em điều trị có bảo hiểm trong 7 ngày hết gần 4 triệu đồng. Bên kia hai vợ chồng bị gãy chân, người chồng do không có bảo hiểm điều trị trong 9 ngày là 13,5 triệu đồng. Người vợ điều trị trong 13 ngày có bảo hiểm là 5 triệu đồng. Bây giờ em đã phụ cấp trước 2 triệu nhưng bên kia bắt em phải đền bù 30 triệu. Luật sư cho em hỏi em phải xử lý thế nào?
Mong sự tư vấn của luật sư, em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Trong trường hợp này, nếu vợ chồng nhà kia tuân thủ đúng quy định về an toàn giao thông đường bộ thì bạn có thể phải chịu những trách nhiệm sau:
Theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi đi không đúng làn đường của bạn có thể bị xử phạt hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Ngoài ra, hành vi của bạn đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho sức khỏe người khác, nên bạn sẽ phải bồi thường theo quy định tại Điều 601 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
Như vậy, trong trường hợp này, bạn sẽ phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi ngoại trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Tuy nhiên trong trường hợp này cũng cần phải xác định xem gia đình nhà kia có lỗi hay không để xác định mức lỗi để thực hiện việc bồi thường.
Về vấn đề bồi thường, theo nguyên tắc, thiệt hại đến đâu bồi thường đến đấy, việc bồi thường phải nhanh chóng, kịp thời và toàn bộ. Trong đó, thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
– Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
– Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.
Ngoài ra, hành vi này của bạn có thể cấu thành Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nếu bạn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% thì bạn có thể sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trong trường hợp này, vì theo thông tin bạn cung cấp, không thể xác định rõ được lỗi do bên nào cũng như chưa xác định được chính xác thiệt hại về sức khỏe của các bên như thế nào? Do đó, nếu được thì bạn nên thỏa thuận với vợ chồng nhà kia về mức bồi thường thiệt hại để thống nhất quyền lợi cho các bên, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các bên. Trong trường hợp, hai bên không thể thỏa thuận được thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan công an hoặc Tòa án để giải quyết.
5. Trách nhiệm bồi thường do tai nạn giao thông?
Kính gửi quý công ty. Được biết Quý công ty có dịch vụ tư vấn pháp luật cho khách hàng qua mail. Nay tôi gặp phải vấn đề khó xử nên kính nhờ quý công ty tư vấn giúp cho tôi trong trường hợp cụ thể sau: Chồng tôi lái xe cho Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình, sáng ngày 23/09, khi đi kiểm định xe tại trung tâm kiểm định của tỉnh, xe đủ điều kiện lưu hành (do xe của cơ quan là xe mới 100%) nhưng do không mang đủ tiền đóng phí nên cơ quan kiểm định hẹn chiều xuống dán tem.
Vào hồi 14h chiều cùng ngày, chồng tôi lái xe từ cơ quan xuống dán tem thì xảy ra va chạm với xe máy. Chiếc xe này do anh A điều khiển, chở con đi học thêm trên thành phố Hòa Bình, 2 bố con anh A lưu thông trên đường không đội mũ bảo hiểm, không giấy tờ tùy thân, trong khi lưu thông do không biết chính xác đường vào nhà cô giáo dạy thêm nên anh A đi theo chỉ dẫn của con, băng qua đường 1 chiều và xảy ra va chạm với xe của chồng tôi. Đoạn đường xảy ra tai va chạm là ngã tư, đoạn giao nhau và có bồn hoa che khuất tầm nhìn nên cả chồng tôi và anh A đều không nhìn thấy nhau. Khi anh A đi qua bồn hoa, vào đường 1 chiều thì khoảng cách quá gần, cả 2 không kịp xử lý và xảy ra va chạm. Ngay lúc xảy ra tai nạn, chồng tôi đã vẫy xe kịp thời đưa 2 bố con đi bệnh viện, nhưng do anh A bị thương nặng, nên chuyển đi viện Việt Đức, còn con trai anh A được sơ cứu tại bệnh viện Hòa Bình, sau 2 tiếng, bệnh viện Hòa Bình không xử lý được nên cũng chuyển nốt xuống bệnh viện Việt Đức. Tại thời điểm anh A chuyển viện, tôi cùng 1 số đồng nghiệp của chồng tôi luôn túc trực tại bệnh viện, phối hợp cùng gia đình đưa con anh A đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Khi anh A chuyển viện, tôi có hỗ trợ ban đầu cho vợ anh A là 5.000.000 đồng và nhờ họ hàng ở Hà Nội tới viện Việt Đức động viên gia đình anh A.
Tại đây, anh A phải cưa bỏ phần dưới chân phải (cách đầu gối khoảng 15cm), mổ ruột non do va chạm mạnh, con trai anh A bị chệch khớp háng, sau khi nắn và bó bột thì chỉ cần nằm yên sau 3 tuần là tập đi được. Sau đó, tôi và chồng tôi có xuống thăm hỏi và hỗ trợ thêm 15.000.000 đồng nữa. Khi anh A xuất viện về, công an tỉnh gọi 2 gia đình lên để giải quyết, tại đây anh A không đồng ý với mức hỗ trợ 20.000.000 đồng mà đòi hỏi thêm 100.000.000 đồng nữa, gia đình tôi không phải là gia đình có điều kiện, 2 con còn nhỏ (1 cháu 3 tuổi rưỡi và 1 cháu 12 tháng tuổi), mặt khác theo biên bản đo hiện trường của công an thì chồng tôi đi đúng đường, chạy xe khoảng 30->35km/h, còn 2 bố con anh A đi quá tốc độ, và đi vào làn đường 1 chiều, do vậy toàn bộ chi phí sửa chữa xe cơ quan chồng tôi là do gia đình tự lo liệu xoay sở, bảo hiểm không chịu trách nhiệm đền bù. Do vậy, gia đình tôi không chấp nhận đền bù thêm 100 triệu nữa. Gia đình anh A đòi kiện ra Toà (gia đình anh A có người thân làm ở Tòa). Vậy kính mong quý công ty tư vấn giúp tôi trong trường hợp này ai sai ai đúng? Nếu ra Tòa gia đình tôi sẽ chịu trách nhiệm gì và mức đền bù (nếu có) là bao nhiêu? Phí khởi kiện và các loại phí liên quan do bên nào chịu? Chồng tôi có bị truy tố không?
Rất mong nhận được sự phản hồi. Kính thư!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Công ty Luật Đạt Điền. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Về việc xác định ai đúng ai sai thì căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp, chỉ là yếu tố chủ quan từ một phía, không có kèm theo các bằng chứng để chứng minh, do đó, chúng tôi chỉ có thể tư vấn cho bạn theo những thông tin mà bạn đưa ra như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn đi đúng đường, chạy xe khoảng 30->35km/h, còn 2 bố con anh A đi quá tốc độ, và đi vào làn đường một chiều dẫn đến xảy ra va chạm. Trường hợp này, có xác nhận biên bản đo hiện trường của Công an nên bên anh A được xác định là có lỗi gây ra tai nạn. Còn về phía chồng bạn chưa có kết quả chính thức cuối cùng nên chưa chắc chắn là chồng bạn có lỗi hay không.
Khi vụ việc được đưa ra Tòa án để xét xử thì mức bồi thường được xác định như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn lái xe cho Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình và có đi dán tem kiểm định thì có thể mặc định xe chồng bạn lái là ô tô. Trong trường hợp này, phương tiện gây ra tai nạn này là ô tô, theo quy định của Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ô tô được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Vì vậy, việc bồi thường hại sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 601, Điều 590 Bộ luật dân sự 2015:
“2.Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Vì chủ sở hữu của chiếc xe này là Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình và cơ quan này giao xe cho chồng bạn điều khiển xe đi dán tem kiểm định nên trong trường hợp này, việc xác định trách nhiệm bồi thường được thực hiện sẽ căn cứ vào thỏa thuận của hai bên giữa Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình và chồng bạn, cụ thể:
– Nếu chồng bạn và bên Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình có thỏa thuận rõ ràng về việc ai sẽ phải bồi thường thiệt hại khi có tai nạn xảy ra thì hai bên cứ căn cứ theo Hợp đồng thỏa thuận của hai bên ban đầu và yêu cầu người có trách nhiệm trong hợp đồng phải bồi thường phần thiệt hại mà họ phải bồi thường.
– Nếu chồng bạn và bên Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình không có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, hợp đồng thuê khoán hay bất kỳ một hợp đồng nào về việc bồi thường thiệt hại thì về nguyên tắc bên Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình phải có nghĩa vụ bồi thường cho bên bố con anh A. Tuy nhiên, bên Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình cũng có quyền yêu cầu chồng bạn (nếu có căn cứ chứng minh chồng bạn có lỗi trong việc gây thiệt hại) phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên.
Trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì chồng bạn và Trung tâm văn hóa tỉnh Hòa Bình không phải bồi thường cho bố con anh A.
Về việc chồng bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì:
“Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
…”
Như vậy, chồng bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ khi chồng bạn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của hai bố con anh A khi và chỉ khi chồng bạn có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về Nghĩa vụ nộp Tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí khi bên kia khởi kiện đòi bồi thường:
Trong trường hợp này, giả sử, anh A khởi kiện tới Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại thì khi đó, anh A được xem là nguyên đơn còn chồng bạn là bị đơn trong vụ án dân sự. Khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí thì:
“1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.“
Như vậy, phía bên chồng bạn là bị đơn không phải nộp tiền tạm ứng án phí trừ khi bạn có yêu cầu phản tố với nguyên đơn. Trong đó, việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình (tức là kiện ngược trở lại với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn), nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án vì việc giải quyết yêu cầu của hai bên có yêu cầu chặt chẽ với nhau.
Mức đóng tiền tạm ứng án phí được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa ánnhư sau:
“2. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.”
Nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm quy định tại Điều 26Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, theo đó, khi nộp đơn khởi kiện thì nguyên đơn sẽ phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, sau khi giải quyết xong tranh chấp, căn cứ vào quyết định của Tòa án để xác định nghĩa vụ nộp tiền án phí của đương sự theo quy định. Nếu toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận thì bên bạn là bên bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.
6. Việc bồi thường khi xảy ra tai nạn giao thông ?
Kính chào luật sư Đạt Điền! Em muốn nhờ sự trợ giúp của luật sư trong tình huống của bố em. Thưa luật sư, tháng 10 vừa qua, bố em lái xe thuê cho chủ xe tải tại Hà Nội, không may đã gây tai nạn, cụ thể: Hai người đi xe máy tông nhau rồi một người văng vào xe tải của bố em khi đang lưu thông và không may bị xe cán tử vong. Chủ xe và gia đình em đã bồi thường thiệt hại cho bên gia đình nạn nhân và có cam kết của gia đình là không tố tụng hình sự đối với lái xe. (Vì lý do gia đình biết đây là sự không may mắn của hai bên, lái xe bị vạ lây do người điều khiển xe máy không chấp hành luật giao thông, vượt xe tải khi đường đang đông và bị xe máy khác đi ngược chiều tông vào).
Nhưng khi làm việc với công an, mỗi lần đi khám xe thì anh Trưởng phòng cảnh sát điều tra đều yêu cầu mang theo 5 triệu đồng chi phí cho người ta uống nước. Rồi anh ấy hẹn gặp bố em tại trụ sở công an rồi đưa ra mức giá 60 triệu đồng để không bị tù tội. Vậy em muốn hỏi luật sư trong trường hợp này chúng em phải làm gì?
Xin cảm ơn!
Trả lời:
Kính thưa Quý khách hàng, Công ty Luật Đạt Điền đã nhận được yêu cầu của Quý khách. Vấn đề của Quý khách chúng tôi xin giải đáp như sau:
Theo như dữ liệu bạn cung cấp thì hai người xe máy tông nhau rồi một người văng phải xe tải của bố bạn đang lưu thông không may bị xe cán tử vong thì đây không phải lỗi của bố bạn, trường hợp này theo quy định của Bộ luật hình sự là sự kiện bất ngờ, tình huống đó bố bạn không thể hoặc không buộc phải thấy trước theo Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
“Điều 20. Sự kiện bất ngờ
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, trường hợp này, bố bạn không có lỗi và sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế thì gia đình bạn đã có bồi thường cho gia đình nạn nhân như vậy là đã hợp tình hợp lý. Việc Trưởng phòng cảnh sát điều tra có hành vi trên gia đình bạn có quyền khiếu nại đến cấp trên của người này để yêu cầu xử lý.