Lựa chọn cách lập di chúc để lại tài sản cho người thân là việc mà ngày nay nhiều người lựa chọn nhất là những người ốm nặng nằm liệt giường. Tuy nhiên thủ tục lập di chúc cho người nằm liệt giường phức tạp hơn bình thường. Hãy cùng tìm hiểu về thủ tục lập di chúc để nắm rõ cách thức dành cho người ốm nặng nằm liệt giường.
Lập di chúc hợp pháp cho người ốm nặng nằm liệt giường
Điều kiện lập di chúc hợp pháp
Điều kiện về chủ thể
Chủ thể có quyền lập di chúc theo quy định tại Điều 625 BLDS 2015 là:
Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân người để lại tài sản cho người khác trước khi chết do đó người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối đe dọa hoặc cưỡng ép.
Hình thức
Về mặt hình thức theo Điều 627 BLDS 2015 thì di chúc được thể hiện dưới một trong hai hình thức bao gồm: di chúc bằng văn bản và di chúc miệng, không được viết tắt, viết bằng ký hiệu trong di chúc. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, chỉ lập di chúc miệng khi không thể lập di chúc bằng văn bản.
Nội dung
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 thì: “Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.”. Nội dung của di chúc chứa đựng toàn bộ những quyết định của người để lại di sản trong việc định đoạt sản của người lập di chúc sau khi chết. Di chúc là một giao dịch dân sụ, do vậy, di chúc cũng cần tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong đó có điều kiện về nội dung của di chúc. Ngoài ra, nội dung của di chúc còn được quy định cụ thể tại Điều 631 BLDS 2015.
Các phương thức lập di chúc cho người ốm nặng nằm liệt giường
Theo quy định tại Điều 56 Luật Công chứng 2014, người lập di chúc phải tự mình đến yêu cầu công chứng, không được ủy quyền cho người khác. Để ngừa các tình huống xảy ra khi người để lại di chúc ốm nặng nằm liệt giường không thể tự mình lập di chúc được, pháp luật có quy định 04 trường hợp như sau:
Lập di chúc miệng
Lập di chúc miệng có người làm chứng
Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu di chúc được lập trước mặt ít nhất 02 người làm chứng và được thực hiện theo trình tự được quy định tại Điều 630 BLDS 2015:
Công chứng viên đến tận nơi để lập di chúc
Theo quy định tại Điều 44 Luật Công chứng 2015, trong trường hợp người lập di chúc là người già yếu, không thể đi lại được do ốm đau, bệnh tật… mà không thể đến trụ sở của Phòng/Văn phòng công chứng thì công chứng viên có thể công chứng ngoài trụ sở, có thể yêu cầu công chứng viên đến nhà, bệnh viện,… nơi người lập di chúc đang chữa trị.
Người lập di chúc đang điều trị tại bệnh viện
Nếu người lập di chúc đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác thì chỉ cần có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó theo quy định của Điều 638 Bộ luật Dân sự 2015.
Di chúc có người làm chứng
Nếu không thể tự mình viết di chúc cũng như công chứng được thì người để lại tài sản có thể nhờ người khác viết hoặc đánh máy di chúc nhưng phải có ít nhất 02 người làm chứng. Yêu cầu về người làm chứng là những người không phải là người thừa kế, người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc và người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Người lập di chúc phải ký vào bản di chúc để xác nhận chữ ký, đồng thời người làm chứng cũng phải ký và xác nhận vào bản di chúc.
Thủ tục lập di chúc
Giấy xác nhận tình trạng sức khỏe
Để di chúc có hiệu lực thì dù ốm nặng nhưng người lập di chúc bắt buộc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc. Để xác định được một người minh mẫn, sáng suốt cơ quan có thẩm quyền vẫn yêu cầu người lập di chúc phải có giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, đây không phải quy định bắt buộc.
Lựa chọn phương thức lập di chúc
Có nhiều phương thức để lập di chúc khác nhau và người lập di chúc được quyền lựa chọn phương thức phù hợp nhất đối với tình trạng của bản thân. Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng theo Điều 627 BLDS 2015.
Theo Điều 628 BLDS 2015 di chúc bằng văn bản gồm các hình thức sau:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có công chứng;
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Di chúc bằng văn bản phải bảo đảm các nội dung: Ngày, tháng, năm lập di chúc, họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc, họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản, di sản để lại và nơi có di sản (Điều 631 BLDS 2015)
Theo Điều 629 BLDS 2015 di chúc miệng được lập trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản. Nếu sau ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ.
Chỉ định người quản lý, lưu giữ di chúc
Theo quy định tại Điều 641 BLDS 2015 thì người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc. Người được chỉ định quản lý, lưu giữ di chúc phải giữ gìn bảo quản di chúc, giữ bí mật nội dung di chúc. Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết.