Luật sư 24h UY TÍN TPHCM tư vấn: Chuyển nhượng đất khi người đồng sở hữu không đồng ý

       

Chuyển nhượng đất khi người đồng sở hữu không đồng ý ?

(LSVN) – Tôi và một người bạn chung nhau mua 01 mảnh đất diện tích 60m2 tại một huyện ngoại thành ở Hà Nội. Hiện tại tôi muốn chuyển nhượng, nhưng người bạn của tôi lại chưa muốn. Khi chưa thống nhất được việc chuyển nhượng thì tôi nên thực hiện thế nào để chuyển nhượng được thửa đất? Bạn đọc H.K.G hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, quy định về việc chuyển nhượng mua bán đối với trường hợp sở hữu chung quyền sử đất được quy định tại khoản 2, Điều 167, Luật Đất đai 2013 có nội dung như sau:

Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.

2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:

a) Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này;

b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.

Căn cứ quy định trên thì khi đồng sở hữu của bạn không đồng ý bán đất thì có các trường hợp xử lý sau:

– Nếu trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) phân chia rõ theo phần quyền sở hữu trong khối tài sản chung quyền sử dụng đất thì bạn chỉ có thể bán phần quyền được ghi nhận trong GCN QSDĐ. Việc mua bán chuyển nhượng phải thông qua thủ tục tách thửa ứng với phần quyền sử dụng của bạn. Tuy nhiên, việc tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu khi tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh.

– Nếu trong quyền sử dụng đất không phân chia được theo phần thì bạn và đồng sở hữu có thể ủy quyền cho người đại diện. Trong trường hợp không thể ủy quyền hoặc thoả thuận về việc phân chia thì bạn có thể thực hiện thủ tục khởi kiện tại Toà án để xác định quyền sử dụng đất.

– Trường hợp nếu hai bên chỉ có giấy tờ viết tay về góp vốn quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, hợp đồng góp vốn để nhận (mua) quyền sử dụng đất đã thể hiện ý chí thỏa thuận giữa các bên và không thuộc trường hợp bắt buộc phải được công chứng, chứng thực.

Do vậy, nếu không vi phạm các quy định của pháp luật làm cho giao dịch dân sự đó bị vô hiệu (do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; do giả tạo; do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; do bị nhầm lẫn; do bị lừa dối, đe dọa hoặc do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình – Điều 128 đến Điều 133, Bộ luật Dân sự) thì hợp đồng viết tay giữa các bên được coi là hợp pháp.

Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, để xác định bản hợp đồng viết tay nêu trên có đủ cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người góp vốn còn lại không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cần phải xét đến nhiều yếu tố về các nội dung góp vốn, quyền quản lý, định đoạt quyền sử dụng đất chung.

Theo Điều 216, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về “Quản lý tài sản chung” như sau:

“Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Căn cứ Điều 218, Bộ luật Dân sự 2015 về việc định đoạt tài sản chung:

Điều 218. Định đoạt tài sản chung.

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

Căn cứ theo quy định trên, nếu có hợp đồng góp vốn chung mà khi chuyển nhượng 01 phần quyền sử dụng đất mà bạn cần thông báo cho chủ sở hữu chung theo đúng quy định pháp luật thì không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *