Dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên: Làm chủ thi công, quyết tâm về đích đúng tiến độ

Khảo sát thực tế tại Dự án Cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, dự án do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ công tác giám sát, đôn đốc cho thấy, Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đã nỗ lực làm chủ tiến độ ngay sau ngày phát lệnh khởi công.

Dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Văn

Ngày 20/4/2023, thông tin đến Báo Đấu thầu, ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng ban Ban điều hành dự án 4, Giám đốc Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) cho biết, cả Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công thuộc Dự án đều đang nỗ lực hết sức, huy động tối đa nhân lực, thiết bị, phương tiện, tài chính để đảm bảo tiến độ đã đề ra. “Chủ đầu tư coi trọng chất lượng của từng thiết bị, vật tư đầu vào phục vụ Dự án bằng việc giám sát công tác sản xuất cọc của nhà thầu. Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát, chỉ đạo tại mỗi gói thầu bằng báo cáo hàng ngày”, ông Tùng cho biết.

Trước đó, ngày 13/3/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đã tổ chức khởi công xây dựng công trình các gói thầu XL-01, XL-05, XL-06, XL-07, XL-08, XL-09. Các gói thầu XL-02, XL-03 khởi công ngày 24/3 và Gói thầu XL-04 khởi công ngày 28/3/2023.

“Chủ đầu tư đang chuẩn bị các nội dung về hệ thống quản lý chất lượng, tập kết thiết bị, nhân sự, xây dựng văn phòng Ban chỉ huy công trường, bãi đúc cọc, kiểm tra nhà máy sản xuất cấu kiện, vận chuyển cấu kiện cừ SW về công trình để triển khai thi công các hạng mục: kè; cống cấp II; xử lý nền băng cọc xi măng đất (CDM); phối hợp với các đơn vị quản lý các công trình cầu giao thông hiện hữu, lưới điện cao thế, đường ống cấp nước băng kênh, trung tâm quản lý đường thủy để thỏa thuận các biện pháp an toàn trong quá trình thi công cho các gói thầu”, ông Tùng thông tin thêm.

Về tiến độ cụ thể, đại diện Ban điều hành cho biết, đến nay, Gói thầu XL-01 đã triển khai thi công cọc thử cọc CDM – xi măng đất; thi công cọc thử cọc bê tông cốt thép ứng suất; tập kết thiết bị thi công; xây dựng văn phòng Ban chỉ huy công trường tại K0+050. Các gói thầu XL-02, XL-03, XL-04, XL-05 đã triển khai tập kết thiết bị thi công tại cống Lương Bèo, cống Cầu Kinh; xây dựng văn phòng Ban chỉ huy công trường.

Trong khi đó, các gói thầu XL-06, XL-07, XL-08 đã triển khai thi công đóng cừ ván bê tông dự ứng lực SW; tập kết thiết bị thi công; xây dựng văn phòng Ban chỉ huy công trường.

Gói thầu XL-09 đã triển khai thi công cọc thử cọc CDM – xi măng đất; thi công đóng cọc thử bê tông cốt thép; tập kết thiết bị thi công; xây dựng văn phòng Ban chỉ huy công trường.

Thực địa tại Gói thầu XL-08 ngày 20/4/2023, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận hoạt động thi công diễn ra rầm rộ. Theo đó, có 3 mũi thi công đóng cọc bê tông dự ứng lực SW. Do phạm vi thi công hạn chế, để đảm bảo an toàn, các nhà thầu sử dụng biện pháp cẩu đóng cọc trên sà lan. “Gói thầu XL-08 gồm 1 chỉ huy trưởng, 2 chỉ huy phó, 3 cán bộ kỹ thuật cùng đội ngũ công nhân lành nghề. 3 cẩu trục (trong đó cẩu tải trọng lớn nhất tới 100 tấn) làm việc liên tục để làm chủ tiến độ ngay từ ngày khởi công”, Chỉ huy trưởng Gói thầu XL-08 chia sẻ. Do đặc thù thi công trong khu vực dân sinh, có trường học, công viên, vấn đề an toàn được nhà thầu đặt lên hàng đầu. Công tác thi công cọc dự ứng, nạo vét phải đi trước, dứt điểm để các nhà thầu phụ trách hạng mục đường, cầu, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh có cơ sở đồng bộ hóa.

Theo Chủ đầu tư, năm 2023, Dự án được UBND TP. Hồ Chí Minh ghi kế hoạch vốn là 1.300 tỷ đồng, dự kiến tháng 4/2023 bổ sung thêm 350 tỷ đồng, nâng tổng vốn cho Dự án là 1.650 tỷ đồng. Quý I đã giải ngân được 194,846 tỷ đồng, dự kiến lũy kế hết quý II năm nay sẽ nâng giá trị giải ngân lên 320,466 tỷ đồng; lũy kế hết quý III năm nay, giá trị giải ngân là 604,811 tỷ đồng; lũy kế hết quý IV là 1.650 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết, để Dự án đảm bảo tiến độ, việc cần làm nhất là đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đồng bộ tại các quận/huyện Dự án đi qua. Hiện nay, một số gói thầu vẫn chưa đủ mặt bằng sạch, đặc biệt là mặt bằng thực hiện Gói thầu số XL-10, dự kiến khởi công vào quý IV/2023.

“Đề nghị UBND các quận Bình Tân, Tân Phú, Quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, Khu công nghiệp Tân Tạo vận động người dân, doanh nghiệp tháo dỡ các công trình tạm để bàn giao mặt bằng trống cho việc triển khai thi công”, Chủ đầu tư nói.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *