LUẬT SƯ CHIA SẼ KINH NGHIỆM CHUẨN BỊ CHO KỲ KIỂM TRA KẾT QUẢ TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐẠT ĐIỀN : Nhận luật sư Tập sự và Hướng dẫn thi hết tập sự hành nghề luật sư 

Trong bài viết ” 4 quan niệm sai về ngành luật “‘mình đã chia sẻ với các bạn nghề luật sư không giống như những ngành nghề bình thường khác khi chỉ cần tốt nghiệp bậc cử nhân là bạn đã có thể tự làm nghề ngay được, mà con đường trở thành một luật sư quả thật vô cùng gian nan và vất vả. Tuy nhiên, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” – câu tục ngữ này thật xứng đáng để những người học luật lấy làm kim chỉ nam trên con đường phấn đấu của mình bởi lẽ không có gì là dễ dàng khi muốn gặt trái thơm quả ngọt. Sau một quá trình dài học tập và tập sự, đã đến lúc bạn tự khẳng định những kiến thức và kỹ năng mình đã lĩnh hội và tích lũy bằng việc tham dự Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Đây là một kỳ thi vô cùng quan trọng với những bạn có nguyện vọng và mong ước trở thành luật sư vì chỉ khi thành công vượt qua kỳ thi này, bạn mới có thể được công nhận là luật sư và hành nghề theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho kỳ thi thế nào là một vấn đề mà mình tin bất kỳ “sĩ tử” nào khi chuẩn bị “lên thớt” đều cảm thấy lo lắng; và bản thân mình trước đây cũng như vậy. Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm chuẩn bị của mình khi tham dự kỳ kiểm tra này để giúp các bạn xây dựng một kế hoạch ôn tập phù hợp và chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng trước khi bước vào “trận chiến” lớn này nhé.

(Lưu ý: Mình không phải là chuyên gia hay là một luật sư kỳ cựu nên bài viết này dựa trên những kinh nghiệm thực tế mà mình đã tích lũy được)

Thông thường trước mỗi đợt thi, Liên đoàn luật sư Việt Nam (LĐLSVN) và Đoàn luật sư (ĐLS) nơi các bạn đăng ký tập sự sẽ có thông báo về thời gian thi, nội dung và hình thức thi cũng như một số yêu cầu khác. Các bạn hãy chịu khó lên website chính thức của LĐLSVN và ĐLS để cập nhật thông tin thường xuyên nhé. Trong giai đoạn này mình sẽ chia thành nhóm 3 công việc các bạn cần chuẩn bị: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra; Chuẩn bị hồ sơ thực hành; và Ôn tập cho ba bài kiểm tra kỹ năng.

1. CHUẨN BỊ HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA KIỂM TRA

Thông báo của LĐLSVN về kỳ kiểm tra thông thường đều quy định rất rõ thành phần hồ sơ cần nộp với từng đối tượng khác nhau (Các bạn tập sự đăng ký tham dự kiểm tra lần đầu, các bạn tập sự không đạt yêu cầu từ kỳ trước hoặc các bạn có đơn xin hoãn kiểm tra…). Vì vậy, một lần nữa mình muốn nhấn mạnh các bạn hãy chú ý theo dõi thông tin đầy đủ trên website của LĐLSVN và ĐLS để có thể cập nhật một cách chính xác nhé.

Trong hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra, mình muốn nhấn mạnh đến hai nội dung quan trọng mà các bạn cần lưu ý, đặc biệt với những bạn đăng ký thi tập sự lần đầu, đó là chuẩn bị Báo cáo quá trình tập sự hành nghề luật sư và Nhật ký tập sự của người tập sự. Sau đây là một vài kinh nghiệm của mình khi chuẩn bị:

– Cân nhắc và lựa chọn trước các vụ việc/vụ án mà các bạn định đưa vào Báo cáo và Nhật ký

Có một việc mà mình đã rút kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, đó chính là ngay từ giai đoạn tập sự, bạn nên trao đổi với người hướng dẫn về thế mạnh và định hướng công việc của mình để luật sư hướng dẫn có thể phân công cho bạn những nhiệm vụ phù hợp với năng lực của bạn. Chẳng hạn như mình có thế mạnh trong lĩnh vực Luật dân sự nên mình rất mong muốn được phân công nghiên cứu hồ sơ, hỗ trợ luật sư hướng dẫn trong quá trình tiếp xúc với khách hàng cũng như làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc/vụ án dân sự. Tất nhiên nếu được luật sư hướng dẫn tín nhiệm và giao các nhiệm vụ ở các lĩnh vực khác thì mình vẫn luôn sẵn sàng thử sức và coi đó là cơ hội để mình học hỏi và trau dồi bản thân. Trong suốt quá trình tập sự, mình cũng đã suy nghĩ và cân nhắc về việc lựa chọn các vụ việc/vụ án mà mình sẽ đưa vào Báo cáo và Nhật ký (thông thường khoảng 3 – 5 vụ). Thậm chí, mình còn tham khảo các mẫu Báo cáo và Nhật ký từ những đợt thi trước để có thể dựa vào đó viết tóm tắt lại nội dung của từng vụ việc/vụ án mình lựa chọn. Theo mình, việc chuẩn bị trước như vậy sẽ giúp các bạn không rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy” khi vào giai đoạn nước rút. Mình đã gặp rất nhiều bạn, khi hạn nộp Hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra chỉ còn vài ngày nữa, nhưng vẫn loay hoay chưa biết chọn vụ việc/vụ án nào xong rồi lại cuống cuồng mượn hồ sơ để hoàn thiện Báo cáo và Nhật ký cho kịp. Lời khuyên chân thành của mình là các bạn hãy cố gắng chuẩn bị thật kỹ các nội dung công việc trước để dành thời gian rà soát và kiểm tra lại sau đó.

– Cả Báo cáo quá trình tập sự hành nghề luật sư và Nhật ký tập sự của người tập sự đều phải viết theo mẫu mà LĐLSVN yêu cầu 

LĐLSVN đều có các phụ lục hướng dẫn đối với Báo cáo và Nhật ký nên các bạn hãy đảm bảo những nội dung mình viết đều theo các mẫu có sẵn nhé. Thông thường, nội dung chủ yếu của Báo cáo và Nhật ký gồm: các vụ việc/vụ án mà bạn đã được người hướng dẫn cho tham gia; tóm tắt sơ bộ nội dung của các vụ việc/vụ án đó; căn cứ pháp lý để giải quyết các vụ việc/vụ án đó; định hướng giải quyết vụ thể; bài học kinh nghiệm mà bạn rút ra được trong quá trình tập sự; những khó khăn, vướng mắc mà bạn gặp phải trong quá trình tập sự; kiến nghị và đề xuất của người tập sự… Đây đều là những nội dung khá cơ bản mà mình tin những bạn nào tập sự “thật” trong 01 năm vừa qua đều có thể dễ dàng tổng hợp và viết được.

– Kiểm tra và rà soát thật kỹ trước khi nộp

Mình để ý cũng có rất nhiều bạn làm Báo cáo và Nhật ký khá sơ sài, dẫn đến việc sau khi nộp lên ĐLS và ĐLS thẩm tra trước thì hồ sơ của các bạn đều không đạt yêu cầu. Mặc dù Hội đồng kiểm tra của LĐLSVN không tính điểm đối với Báo cáo và Nhật ký tập sự của bạn, nhưng theo mình, bạn hãy cố gắng hoàn thiện những yêu cầu này một cách tốt nhất có thể vì đó cũng là một cách các bạn review lại những kiến thức và phần công việc mình đã làm và học hỏi trong thời gian tập sự vừa rồi. Trước khi nộp hồ sơ, các bạn hãy lưu ý là phải rà soát và kiểm tra lại một lần nữa để đảm bảo rằng mình đã ghi đầy đủ các thông tin cần thiết; không có thiếu sót gì đối với từng nội dung yêu cầu, không có lỗi sai chính tả… Nếu có thể, bạn hãy nhờ luật sư hướng dẫn hoặc các anh chị đi trước xem qua Báo cáo và Nhật ký của bạn để họ đưa ra lời khuyên và góp ý cho bạn nhé.


2. CHUẨN BỊ HỒ SƠ KIỂM TRA THỰC HÀNH

Khác với Báo cáo quá trình tập sự hành nghề luật sư và Nhật ký tập sự của người tập sự, Hồ sơ kiểm tra thực hành là phần mà bạn nên đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn vì Hồ sơ này sẽ được giám khảo xem xét tính điểm trong bài kiểm tra vấn đáp. Đối với phần này, mình muốn chia sẻ với các bạn một số tips như sau:

– Về việc lựa chọn hồ sơ vụ việc/vụ án

Các bạn lưu ý bắt buộc phải lựa chọn các vụ việc/vụ án do luật sư hướng dẫn của bạn thực hiện cho khách hàng và hướng dẫn bạn trong thời gian tập sự. Ngoài ra, bạn cũng không nên chọn các hồ sơ vụ việc chỉ mang tính chất dịch vụ, thủ tục hành chính như đăng ký thành lập doanh nghiệp; bổ sung ngành nghề kinh doanh; đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục khai nhận di sản thừa kế… Một điểm nữa các bạn cần nhớ là bạn nên lựa chọn một vụ việc/vụ án trong số các vụ việc/vụ án mà bạn đã trình bày tại Báo cáo quá trình tập sự hành nghề luật sư nhé.

Như mình đã chia sẻ ở trên, ngay từ giai đoạn tập sự, các bạn nên trao đổi thằng thắn và nghiêm túc với luật sư hướng dẫn của bạn về thế mạnh cũng như định hướng công việc của bạn để luật sư hướng dẫn có thể phân công cho bạn hoặc hướng dẫn bạn thực hiện những vụ việc/vụ án phù hợp với năng lực của bạn. Trước đây mình cũng được nghe rất nhiều anh chị khuyên là không nên lựa chọn những hồ sơ quá phức tạp, có tính chất nhạy cảm hay những hồ sơ “thất bại” (nói cách khác là những vụ việc/vụ án mà luật sư hướng dẫn của bạn không thành công trong việc giúp khách hàng đạt được nguyện vọng của mình) vì khi kiểm tra vấn đáp bạn sẽ dễ bị giám khảo “quay tơi bời”. Theo mình, việc lựa chọn vụ việc/vụ án để đi thi là vấn đề hoàn toàn cá nhân, nhưng mình khuyên các bạn nên lựa chọn những hồ sơ nào mà bạn đã tham gia hỗ trợ luật sư hướng dẫn và nắm chắc thật sự để có thể thật tự tin trình bày khi vào phòng kiểm tra vấn đáp.

– Chuẩn bị hồ sơ theo đề cương chi tiết mà LĐLSVN đã hướng dẫn

Tương tự như Báo cáo quá trình tập sự hành nghề luật sư và Nhật ký tập sự của người tập sự, LĐLSVN cũng có đề cương chi tiết đối với Hồ sơ thực hành mà các bạn sẽ nộp. Vì vậy, các bạn hãy nhớ cập nhật thông tin kịp thời để làm đúng theo yêu cầu nhé, tránh trường hợp lại bị bỏ sót những nội dung quan trọng. Thông thường, Hồ sơ thực hành sẽ bao gồm các phần:

Phần 1: Tóm tắt nội dung vụ việc

Trong phần này, ngoài việc tóm tắt lại nội dung vụ việc, yêu cầu của khách hàng và phạm vi công việc bạn được luật sư hướng dẫn phân công thì bạn hãy lưu ý thêm đến phần căn cứ tiếp nhận vụ việc nhé. Theo quy định của Luật luật sư thì căn cứ để luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng là dựa trên cơ sở Hợp đồng/Thỏa thuận dịch vụ pháp lý giữa khách hàng và luật sư. Trong Hồ sơ thực hành, bạn không cần cung cấp đầy đủ cả Hợp đồng/Thỏa thuận này vì đôi khi nó thuộc về thông tin tài liệu cần bảo mật, nhưng bạn hãy nhớ trình bày sơ bộ qua bối cảnh cũng như cơ sở để luật sư hướng dẫn tiếp nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng nhé.

Phần 2: Phương án giải quyết vụ việc

Ở phần này, các bạn sẽ phải xác định được quan hệ pháp luật cần giải quyết trong vụ việc/vụ án bạn chọn. Để xác định đúng thì bạn nên dựa vào yêu cầu cụ thể của khách hàng và các quy định pháp luật có liên quan. Bạn cũng cần lưu ý phải “khoanh vùng” được cơ sở pháp lý để áp dụng với trường hợp cụ thể này nhé. Đồng thời, bạn cũng nên trình bày các ý kiến tư vấn cụ thể cho khách hàng. Ví dụ, đối với một vụ tranh chấp dân sự thì mình sẽ tư vấn cụ thể cho khách hàng các vấn đề về tố tụng (Ví dụ: hồ sơ khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền của Tòa án, quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án…) và nội dung (Ví dụ: các vấn đề cần chứng minh, tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng…) của vụ án.

Phần 3: Kết quả thực hiện vụ việc

Trong phần này, bạn phải đưa ra được quan điểm và định hướng đối với việc giải quyết vụ việc/vụ án (Ví dụ: Thông thường được thể hiện ở dạng thư tư vấn hoặc luận cứ bảo vệ/bào chữa) cũng như kết quả của vụ việc (Ví dụ: Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; Tòa án không chấp nhận kháng cáo của bị cáo…).

Phần 4: Bài học kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất

Các bạn có thể trình bày những kinh nghiệm mà các bạn đã học hỏi được trong quá trình tập sự và thực hiện vụ việc/vụ án dưới sự hướng dẫn của luật sư; đồng thời, bạn cũng có thể chỉ ra những khó khăn mà bạn gặp phải trong quá trình tập sự (Ví dụ: không thể chủ động tiếp xúc với khách hàng hay bị hạn chế khi làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng…) để từ đó, bạn có thể đưa ra những đề xuất, kiến nghị sửa đổi chính sách pháp luật về tập sự hành nghề luật sư. Các bạn có thể tham khảo các Hồ sơ thực hành của những anh chị đi trước để xem cách thức trình bày của họ như thế nào và mình có thể học hỏi thêm được gì nhé. Tuy nhiên, lưu ý là đừng nên sao chép 100% vì giám khảo rất dễ dàng nhận ra ở một số nội dung ở phần này đấy.

Phần 5: Các tài liệu đính kèm

Đây cũng là một phần tương đối quan trọng trong Hồ sơ thực hành của bạn vì giám khảo sẽ dựa vào đó để đánh giá tính trung thực của những nội dung bạn trình bày trong Hồ sơ. Vì vậy, các bạn hãy nhớ tổng hợp những tài liệu cần thiết và phân loại nó thành các nhóm như: Các văn bản tố tụng của Tòa án; Các tài liệu, chứng cứ của nguyên đơn; Các tài liệu, chứng cứ của bị đơn… Đồng thời, để đảm bảo tính bảo mật của hồ sơ vụ việc/vụ án thì các bạn cũng có thể xóa chỉ để lại ký hiệu chữ cái đầu trong tên của những người liên quan đến vụ án/vụ việc đó nhé.

– Kiểm tra và rà soát thật kỹ trước khi nộp

Đây chính là một công việc vô cùng quan trọng mà các bạn nên dành thời gian cho nó. Sau khi hoàn thành xong Hồ sơ thực hành, các bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định để rà soát và kiểm tra lại vì Hồ sơ thực hành sẽ được tính điểm trong bài kiểm tra vấn đáp của bạn nên đừng để những thiếu sót xảy ra nhé. Nếu có thể, bạn hãy nhờ luật sư hướng dẫn hoặc các anh chị đi trước xem qua Hồ sơ thực hành của bạn để họ đưa ra lời khuyên và góp ý nhé.


3. ÔN TẬP CHO BA BÀI KIỂM TRA TRONG KỲ THI

Trong phần này, các bạn sẽ phải chuẩn bị cho ba bài kiểm tra gồm: Bài kiểm tra viết về Kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác; Bài kiểm tra viết về pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; và Bài kiểm tra thực hành (vấn đáp).

Trong thời gian tập sự, các bạn nên tranh thủ ôn tập luôn vì nội dung thi tương đối rộng, và điều này cũng sẽ giúp bạn tránh trường hợp đến gần ngày thi rồi mà mình vẫn còn chưa biết thi những vấn đề gì hay vẫn còn loay hoay chuẩn bị các văn bản pháp luật. Về cơ bản, các bài kiểm tra này cũng có format và barem chấm điểm như những bài thi hết học phần mà chúng mình đã rất quen thuộc khi học ở Học viện Tư pháp. Dưới đây mình sẽ chia sẻ một số cách thức ôn tập cho từng bài kiểm tra nhé:

a) Bài kiểm tra viết về Kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác (gọi tắt là bài kiểm tra Kỹ năng hành nghề luật sư)

Đề thi sẽ gồm 2 câu, mỗi câu 5 điểm, trong đó: Câu 1 là bắt buộc về phần Dân sự; còn Câu 2 là tự chọn một trong hai phần Hình sự hoặc Kinh doanh thương mại. 

* Đối với câu hỏi bắt buộc về phần Dân sự

Dân sự là lĩnh vực có nội dung rất rộng nên trong quá trình ôn tập, mình đã áp dụng những cách thức sau:

– Chia lĩnh vực Dân sự thành các vấn đề nhỏ như: Thừa kế, Tranh chấp đất đai, Ly hôn, Lao động (Đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc Xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải),… Việc chia nhỏ thành các vấn đề như thế này sẽ giúp các bạn dễ ôn tập hơn và không bị “ngợp” trong một bể kiến thức vô cùng rộng lớn.

– Phân loại các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi: Theo mình để ý, các đề thi thường xoay quanh các câu hỏi liên quan đến tố tụng (Thẩm quyền của Tòa án, tư cách của các đương sự trong vụ án, thời hiệu khởi kiện, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, án phí…) và nội dung (theo từng vấn đề nhỏ ở trên) để từ đó, bạn đưa ra kế hoạch hỏi và định hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Để trả lời các câu hỏi này thì việc nắm chắc các quy định pháp luật của liên quan là điều bắt buộc. Các bạn cũng nên lưu ý là các quy định này không chỉ nằm gói gọn trong các Bộ luật hoặc Luật, mà nó còn nằm rải rác trong các Nghị định, Thông tư, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán… nữa nên khi ôn tập thì chúng mình hãy dùng bút highlight hoặc giấy nhớ để đánh dấu cụ thể. Thậm chí, các bạn có thể tổng hợp lại các văn bản này thành một tập tài liệu có mục lục chi tiết.

– Làm thử các đề thi cũ và chấm điểm theo barem có sẵn: Trên các hội nhóm và diễn đạt về nghề luật thường chia sẻ rất nhiều các tài liệu ôn tập cũng như các đề thi từ các năm trước. Các bạn có thể download đề về làm thử rồi chấm điểm theo đáp án có sẵn để xem tiêu chí chấm điểm của giám khảo là thế nào nhé.

* Đối với câu hỏi tự chọn 

Tùy thuộc vào khả năng cũng như thế mạnh của mình mà ở phần tự chọn các bạn có thể lựa chọn làm câu Hình sự hoặc Kinh doanh thương mại nhé. Như trước đây mình đã lựa chọn phần Hình sự nên mình cũng có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ hơn so với phần Kinh doanh thương mại. Về phương pháp ôn tập phần Hình sự, mình cũng áp dụng giống như cách thức ôn tập phần Dân sự, đó là:

– Chia thành các nhóm tội phạm để dễ ôn tập: Nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Tội giết người, Tội cố ý gây thương tích…); Nhóm tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế (Tội buôn lậu, Tội trốn thuế…); Nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…)… Thông thường, ở mỗi nhóm tội này, sẽ có một số tội phạm điển hình và phổ biến trong các đề thi. Nhưng theo mình để ý thì những đề thi gần đây có xu hướng đề cập đến một số tội danh có vẻ “ít-phổ-biến” hơn như Tội bức cung, Tội nhục hình… Vì vậy, các bạn nên cố gắng ôn tập tổng hợp lại các nhóm tội để khi làm bài bạn không bị bối rối hay tự đặt những câu hỏi như “Sao tội này nghe lạ thế?” hoặc “Sao chưa bao giờ nghe đến tội này nhỉ?” nhé.

– Phân loại các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi: Theo mình để ý, các đề thi thường xoay quanh các câu hỏi liên quan đến tố tụng ở các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử (Thẩm quyền điều tra của cơ quan tiến hành tố tụng, các biện pháp ngăn chặn, các thủ tục tố tụng hình sự áp dụng với người dưới 18 tuổi…)nội dung (Định tội danh, xác định các tình tiết giảm nhẹ/tăng nặng trách nhiệm hình sự, các vấn đề cần chứng minh và làm rõ trong vụ án…) và kỹ năng của luật sư (thủ tục luật sư cần chuẩn bị để đăng ký bào chữa và khi vào trại tạm giam gặp bị can/bị cáo; các vấn đề sẽ trao đổi khi làm việc với bị can/bị cáo hoặc gia đình của họ; làm kiến nghị luật sư gửi các cơ quan tiến hành tố tụng…) để đưa ra định hướng bào chữa (theo hướng vô tội, giảm nhẹ hay trả hồ sơ điều tra bổ sung). Thực tế trong quá trình tập sư, chúng mình hầu như không có cơ hội được vào trại tạm giam tiếp xúc với thân chủ hoặc làm việc trực tiếp với các cơ quan tiến hành tố tụng nên thường gặp khó khăn khi trả lời các câu hỏi có liên quan. Tuy nhiên, các bạn có thể trao đổi với luật sư hướng dẫn để họ chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi làm các án hình sự nhé.

– Làm thử các đề thi cũ và chấm điểm theo barem có sẵn.

b) Bài kiểm tra viết về pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (gọi tắt là bài kiểm tra Đạo đức)

Do trong bài thi này các bạn sẽ không được sử dụng tài liệu và thời gian kiểm tra ngắn hơn so với bài kiểm tra kỹ năng nên việc chuẩn bị kỹ càng là điều rất quan trọng. Thông thường, bài kiểm tra sẽ gồm những phần sau:

– Đối với phần trắc nghiệm: Bạn không chỉ phải ghi nhớ quy tắc đạo đức mà còn cần học nội dung tổng hợp trong Luật luật sư và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, Điều lệ Đoàn Luật sư Việt Nam, các Quy chế của Đoàn Luật sư Việt Nam, các vấn đề khác liên quan để trả lời được rất nhiều câu hỏi như: Có bao nhiêu Luật sư đang làm Đại biểu quốc hội, trụ sở Liên đoàn luật sư Việt Nam ở đâu? Ai là chủ nhiệm Liên đoàn luật sư Việt Nam…

– Đối với phần tự luận: Sẽ có một câu yêu cầu nêu lại nội dung của nguyên tắc và phân tích nội dung đó nên các bạn hãy cố gắng học thuộc các quy tắc đạo đức nhé. Nhiều trường hợp đề bài cũng yêu cầu thí sinh nêu đúng chính xác nguyên tắc (Ví dụ: Quy tắc 10.5, 13.2.3, 21.2…), do đó, nếu bạn không học thuộc số quy tắc mà chỉ thuộc sơ qua nội dung thì rất có thể bạn sẽ không làm tốt được câu này (trong khi câu này thường chiếm đến 2 – 3 điểm). Ngoài ra, trong phần tự luận cũng sẽ có câu hỏi yêu cầu thí sinh phân tích một tình huống cụ thể. Để làm tốt câu này, các bạn nên trả lời cơ sở tổng hợp nhiều quy tắc để đối chiếu, áp dụng trong tình huống đó để tránh bỏ sót.

c) Bài kiểm tra thực hành (vấn đáp)

Để chuẩn bị tốt cho phần vấn đáp, các bạn có thể áp dụng những gợi ý sau:

 Nắm chắc nội dung Hồ sơ thực hành của bạn

Vì các câu hỏi của giám khảo trong bài kiểm tra này thường xoay quanh những vấn đề, tình tiết trong hồ sơ vụ việc nên các bạn hãy đảm bảo mình nắm chắc nội dung cũng như các quy định pháp luật có liên quan nhé.

 Dự liệu các câu hỏi mà giám khảo có thể hỏi

Trong giai đoạn chuẩn bị, các bạn nên suy nghĩ và dự liệu trước các câu hỏi được đặt ra xung quanh hồ sơ để trả lời được tốt nhất. Thông thường giám khảo sẽ dành cho bạn khoảng 3-5 phút đầu để trình bày sơ qua nội dung vụ việc/vụ án mà bạn lựa chọn nên các bạn hãy chú ý tóm tắt ngắn gọn và cô đọng nhất có thể. Sau đó, giám khảo có thể hỏi thêm những câu hỏi khác liên quan đến vụ việc/vụ án của bạn. Ví dụ, nếu bạn làm hồ sơ về kinh doanh thương mại thì giám khảo có thể hỏi bạn về các điều khoản phạt vi phạm, lãi suất chậm trả, bồi thường thiệt hại… Ngoài các câu hỏi xoay quanh hồ sơ, giám khảo hoàn toàn có thể hỏi các câu hỏi liên quan đến Luật luật sư, Quy tắc đạo đức hành nghề luật sư và các câu hỏi về các chủ đề liên quan đến môn đạo đức hành nghề luật sư đó. Vậy nên các bạn hãy nhớ phải ôn tập và chuẩn bị thật kỹ nhé.

– Luyện tập trình bày trước gương

Dù con đường bạn lựa chọn là trở thành luật sư tranh tụng hay tư vấn thì kỹ năng diễn đạt và trình bày là yêu cầu vô cùng quan trọng. Với những bạn hơi nhút nhát và chưa có nhiều cơ hội thể hiện mình thì các bạn hãy tự tập nói trước gương hoặc nhờ bạn bè, người thân của mình đóng vai giám khảo, còn bạn là thí sinh để bạn có thể học cách chuẩn bị tâm lý thật bình tĩnh, điều chỉnh âm lượng của giọng nói, cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể và truyền đạt được đầy đủ thông tin bạn muốn diễn đạt với giám khảo. Hẳn bạn đã quen thuộc với câu châm ngôn: “Trăm hay không bằng tay quen”. Các kỹ năng của bạn chắc chắn sẽ không được cải thiện và tiến bộ nếu bạn không thực hành một cách thường xuyên. Vì vậy, hãy chịu khó dành thời gian mỗi ngày để luyện tập nhé.


Trên đây là một số kinh nghiệm của mình trong quá trình ôn tập cho Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Bài viết hơi dài nhưng hi vọng những chia sẻ của mình sẽ hữu ích với những bạn đang chuẩn bị cho Kỳ kiểm tra tới. Chúc các bạn thành công! Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *