Năm 2023, thời gian cấp, sang tên Sổ đỏ có được rút ngắn?

Một trong những điều mà người dân quan tâm nhất khi cấp, sang tên Sổ đỏ là thời gian thực hiện. Vậy, thời gian cấp Sổ đỏ 2022 có được rút ngắn hay vẫn giữ nguyên như trước đây?

* Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân, theo pháp luật đất đai từ ngày 10/12/2009 đến nay khi đủ điều kiện thì người dân được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận).

Thời gian cấp, sang tên Sổ đỏ, Sổ hồng

Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian cấp Giấy chứng nhận lần đầu như sau:

“Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày”.

Tại khoản 40 Điều 2 Nghị định này cũng quy định rõ thời gian giải quyết thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng (thời gian sang tên) như sau:

“Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày”.

Như vậy, thời gian cấp, sang tên Sổ đỏ vẫn được giữ nguyên từ ngày 03/3/2017 (ngày Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực) cho đến nay. Tuy nhiên, nếu người dân chỉ đọc duy nhất 02 quy định trên sẽ có nhiều người hiểu rằng kể từ khi nộp hồ sơ thì:

– 30 ngày sau sẽ có Giấy chứng nhận mới (cấp Sổ đỏ lần đầu).

– 10 ngày sẽ thực hiện xong thủ tục sang tên Giấy chứng nhận.

Cách hiểu như trên là không đúng, vì thời gian giải quyết 02 thủ tục trên được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Lưu ý:

– Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận được tăng thêm 10 ngày (không quá 40 ngày), thời gian sang tên Giấy chứng nhận tăng thêm 10 ngày (không quá 20 ngày).

– Hồ sơ cấp, sang tên Giấy chứng nhận hợp lệ là hồ sơ bảo đảm đầy đủ các nội dung sau:

+ Hồ sơ có đủ thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục theo quy định.

+ Nội dung kê khai trong các giấy tờ (đối với các giấy tờ phải kê khai) phải đầy đủ theo quy định.

+ Nội dung kê khai giữa các giấy tờ phải bảo đảm thống nhất.

Tóm lại, thời gian cấp, sang tên Giấy chứng nhận năm 2022 không được rút ngắn, cụ thể:

– Thời gian cấp Giấy chứng nhận lần đầu không quá 30 ngày làm việc; không quá 40 ngày làm việc đối với xã vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Thời gian trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

– Thời gian sang tên khi chuyển nhượng, tặng cho không quá 10 ngày làm việc; không quá 20 ngày làm việc đối với xã vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Thời gian trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Để biết chính xác trong từng trường hợp cụ thể thì người dân căn cứ vào ngày hẹn trả kết quả trong phiếu tiếp nhận và trả kết quả nhận được khi nộp hồ sơ.

3 cách xử lý khi bị chậm cấp, sang tên Sổ đỏ

Cách 1: Hỏi bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ về việc chậm thực hiện

Mặc dù cách xử sự này không được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng trong thủ tục nào người dân cũng nên hỏi bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để biết lý do chậm thực hiện thủ tục hành chính và lý do đó có hợp pháp không? Nếu khiếu nại hoặc khởi kiện luôn sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

Cách 2: Khiếu nại

Thủ tục cấp, sang tên Giấy chứng nhận là thủ tục hành chính về đất đai, nên khi quá thời hạn nêu trên thì người có yêu cầu cấp, sang tên có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai (theo Điều 204 Luật Đất đai 2013).

* Người có quyền khiếu nại: Là người có quyền, lợi ích bị quyết định, hành vi chậm cấp, sang tên Giấy chứng nhận xâm phạm. Khi khiếu nại thì có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thay.

* Đối tượng bị khiếu nại: Là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai (hành vi chậm thực hiện thủ tục).

* Hình thức khiếu nại

– Khiếu nại bằng đơn: Đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ (theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011).

– Khiếu nại trực tiếp: Người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như khiếu nại bằng đơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *