Giật túi sách của người đi đường bị xử lý về tội gì ?

 

Sáng ngày 25/01 vừa qua đối tượng T qua theo dõi thấy chị Q vừa rút tiền tại Ngân hàng đi ra và đeo trên vai một túi sách, T liền bám theo. Khi thấy chị Q đi xe máy đến đoạn đường vắng người, T liền áp sát và giật được chiếc túi sách của chị Q rồi phóng xe bỏ chạy. Tuy nhiên, chạy được một đoạn thì T bị người dân truy đuổi bắt giữ giao cho cơ quan công an. Kiểm tra tài sản trong túi sách của chị Q có 100 triệu đồng tiền mặt và một số giấy tờ tùy thân. Xin hỏi hành vi của T bị xử lý về tội gì? Mức hình phạt được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 171 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tội cướp giật tài sản như sau:

“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”

Như vậy, T đã biết chị T vừa rút tiền ở ngân hàng, có hành vi áp sát và giật được chiếc túi sách của chị Q rồi phóng xe bỏ chạy, chiếm đoạt tài sản có 100.000.000 triệu. Căn cứ các quy định trên thì hành vi của T đã đủ dấu hiệu cấu thành “Tội cướp giật tài sản”. Với việc cướp giật tài sản có giá trị 100 triệu đồng thì T sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 171 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tội cướp giật tài sản. Mức hình phạt được áp dụng đối với T là bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài ra, T còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *